Mẹ hiện ra tại Knock



Những năm trước 1879, Ái Nhĩ Lan phải chịu đựng những khủng hoảng khốn đốn về chính trị, kinh tế, tôn giáo, và những lãnh vực khác. Những lần mất mùa khoai đói kém từ các năm 1840 đến 1851 là những đại họa xứ này phải chịu mà các quốc gia lân bang không cứu trợ.
Tình trạng kỳ thị trầm trọng giữa các giới quí phái và bình dân, giữa các chủ nhân và nhân công, giữa Công Giáo với Tin Lành, Anh Giáo, giữa người Ái Nhĩ Lan với người Anh. Trầm trọng nhất là giữa giới giầu với người nghèo nơi các xí nghiệp và nông trại.
Knock là một xóm nhỏ ở trên đồi nhìn xuống bãi lầy mênh mông, gần thị trấn Tuam ở giữa vùng lầy này. Vào thời gian Đức Mẹ hiện ra tại Knock, nơi này là một xóm nhỏ xa xôi hẻo lánh, nghèo nàn, ít ai biết. Nhà nguyện tại Knock được dựng lên vào năm 1829 khi Giáo Hội Công Giáo tại Ái Nhĩ Lan được chút tự do hành đạo. Nhà nguyện nhỏ này trở nên trung tâm sinh hoạt tôn giáo cho vùng Knock và Aghamore thuộc giáo phận Tuam. Nhưng khi nạn đói kinh hoàng xảy ra năm 1879, chỉ còn khoảng 18 gia đình ở lại Knock và vùng lân cận.
Ngày 21 tháng 8, 1879, Tổng Phó Tế Cavanaugh đi thăm các giáo dân trở về nhà xứ (nơi linh mục hoặc tu sĩ thuộc giáo xứ cư ngụ). Chị Mary McLoughlin, người trông coi nhà xứ, giúp Phó Tế Cavanaugh hong quần áo sũng nước của ngài và chuẩn bị bữa ăn tối và nơi ngụ cho ngài.
Khoảng 7 giờ 30 tối, Mary Beirne, con gái bà Margaret Beirne (cũng gọi là bà góa Beirne), tới nhà thờ để khóa cửa, cô thấy những hình người hoặc thứ gì sáng, nhưng cô không để ý. Cũng khoảng thời gian đó, bà Carty đi ngang qua nhà thờ và thấy những hình tượng đó; bà nghĩ bụng “Lại một cuộc lạc quyên đóng góp nữa, Chúa ơi, xin giúp chúng con”. Khoảng 8 giờ 30 tối, chị Mary McLoughlin rời nhà xứ đi thăm người bạn là bà Margaret Beirne. Khi chị bước đi ngang qua nhà thờ trong cơn mưa tầm tã, chị thấy ở đầu nhà thờ có “những khuôn mặt đẹp đẽ mà lạ và một bàn thờ”. Mặc dầu chị thấy có ánh sáng chung quanh các khuôn mặt đó, nhưng chị cho rằng thầy phó tế đã đặt mua các tượng đó từ Dublin đem tới và để ngoài mưa như thế. Không nghĩ gì thêm, chị tiếp tục đi tới nhà bà Margaret Beirne.
Tới nhà bà Margaret Beirne, chị Mary McLoughlin nói với bà này về điều bà thấy ở đầu nhà thờ trên đường tới đây. Cô con gái của bà chủ nhà cũng chia sẻ câu chuyện, và tình nguyện đi với chị Mary trở lại nhà xứ. Chị Mary McLoughlin và Mary Beirne thấy những hình ảnh lúc trước bây giờ càng sáng hơn. Hai người thấy các hình người đó dường như đứng trên đầu những lá cỏ, nhưng chân không chạm các lá cỏ đó. Hai chị cũng thấy là mưa không làm ướt đám cỏ ở đầu nhà thờ. Hai chị nhận ra hình ảnh thánh Giuse, Đức Mẹ và thánh Gioan (Tông Đồ).
Hai chị ngạc nhiên, và Mary Beirne chạy về báo cho mẹ và chị là Catherine Beirne, cô cháu gái là Catherine Murray, 8 tuổi, và anh/em trai của cô là Dominick. Mary Beirne hối những người này chạy mau tới nhà thờ vì “Đức Trinh Nữ ở đó”. Dominick bảo Mary (Beirne) đừng tự lừa dối mình. Nhưng Mary bất chấp và vội vàng chạy đi. Dominick khuyên mẹ đi tìm chị về “Đừng để người lối xóm cười”. Bà góa Beirne tới nhà thờ mà ướt sũng mưa, bà thấy các hình ảnh đó mà lúc này rực sáng hơn. Không lâu sau đó Dominick, Catherine Murray và một số người lối xóm cũng tới. Tất cả những người này đều chứng kiến việc hiện ra. Catherine Murray chạy đi kiếm dì Margaret và nhiều người lối xóm khác cũng tới. Hầu như tất cả mọi người ở xóm Knock đều tới, nhìn thấy việc hiện ra; mọi người hiện diện đều được bao bọc trong bầu ánh sáng mầu bạc êm dịu bao quanh các hình thánh. Thị kiến hôm nay kéo dài tới khoảng 11 giờ khuya.
Bà góa Beirne, một trong các người được thị kiến nói:
“Tôi lập tức đi tới nơi được chỉ. Khi tới nơi, tôi thấy rõ ràng ba hình ảnh. Lập tức tôi tới hôn, như tôi nghĩ, chân Đức Trinh Nữ; nhưng tôi không cảm thấy gì trong vòng tay ôm của tôi mà chỉ là bức tường phía sau ảnh đó, và tôi tự hỏi tại sao tôi không sờ được bằng tay tôi những hình ảnh tôi nhìn thấy rõ ràng”.
Bà Bridget Trench, lúc đó 75 tuổi, nói:
“Hình ảnh ba vị có vẻ bất động, tựa như các pho tượng; các hình ảnh đứng gần đầu nhà thờ và dường như cách đầu lá cỏ khoảng hai gang tay. Đức Trinh Nữ đứng giữa; Người mặc áo trắng, và có khăn choàng phủ từ đỉnh đầu tới chân.
“Hai bàn tay của Đức Trinh Nữ đưa lên cao như linh mục khi cầu nguyện trong Thánh Lễ. Tôi thấy rõ hai chân Đức Trinh Nữ và ba lần cố gắng hôn chân Người; Đức Trinh Nữ đội trên đầu thứ gì giống như vương miện, và cặp mắt Người nhìn lên trời.
“Lúc đó trời mưa như trút, nhưng không một giọt mưa nào rơi trên ba hình thánh đó. Tôi cẩn thận sờ đất, đất hoàn toàn khô. Gió từ hướng nam thổi tới, thẳng vào đầu nhà thờ, nhưng không một giọt nước mưa nào rơi vào nơi các hình thánh đứng. Tôi không thấy có cử động nào nơi các hình thánh”.
Chị Mary Beirne nói:
“(Hình ảnh) Đức Trinh Nữ bằng tầm vóc người thực, hình thánh Giuse và thánh Gioan Tông Đồ không quá lớn hoặc quá cao so với hình Đức Trinh Nữ; ba vị đứng cách tường đầu nhà thờ một khoảng, và cách mặt đất khoảng một gang rưỡi hoặc hai gang tay”.
“Đức Trinh Nữ đứng thẳng, cặp mắt ngước nhìn lên trời, hai bàn tay ngửa và đưa lên cao qua khỏi vai hoặc cao hơn một chút; Người mặc áo choàng rộng mầu trắng; trên đầu Người có vương miện vàng”.
“Hình thánh Giuse, đầu ngài hơi nghiêng về phía Đức Trinh Nữ, như thể ngài tỏ lòng tôn kính Đức Trinh Nữ; thánh Giuse có mái tóc và râu mầu muối tiêu. Hình ảnh thứ ba có vẻ là thánh Gioan Tông Đồ”.
“Một con chiên đứng trên bàn thờ, nhìn vào thánh Gioan Tông Đồ. Tôi không nhìn thấy hình thánh giá hoặc ảnh chịu nạn nào cả. Tôi thấy những ngôi sao vàng kim trên mình và chung quanh con chiên. Tôi nhìn hình ảnh này từ lúc 8g15 đến 9g30 tối. Trong thời gian này trời mưa tầm tã”.
Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Gioan Tông Đồ hiện ra tại Knock tất cả khoảng bốn lần. Lần thứ hai vào ngày 2 tháng 1, 1880. Lần này Tổng Phó Tế Cavanaugh và hai người khác nữa chứng kiến. Lần thứ ba vào đêm ngày 5 tháng 1, 1880. Lần này có đông người thị kiến và hai viên chức Hoàng Gia Ái Nhĩ Lan đồn trú tại Knock giữ trật tự. Đêm ngày 6 tháng 1, 1880, rất đông người hơn nữa được thị kiến, có cả những người từ thị xã Claremorris lân cận cũng tới và được thị kiến.
Trong những lần hiện ra này, có những hiện tượng lạ lùng như những trái cầu rực sáng hoặc những vòng hào quang di chuyển tới lui trên thánh đường và các nơi khác trong khu vực Knock. Nhiều người cho hiện tượng này do khí vùng lầy phát ra. Nhưng những ý kiến đó đã bị các phép lạ chữa lành bệnh xảy ra tại Knock đánh bại. Những phép lạ điển hình là một phụ nữ, 28 tuổi, bị điếc từ lúc 6 tuổi, đã nghe lại được sau khi đến cầu nguyện tại thánh đường Knock. Michael Ansborough và John Mckenna, bị mù khoảng 10 năm, lại được sáng mắt. Bà Mary Prendergast, suốt nhiều năm không đi đứng được, đã khỏi bệnh đứng lên đi lại không cần ai giúp, sau khi được đưa tới đầu nhà thờ nơi Đức Mẹ, thánh Giuse và thánh Gioan Tông Đồ hiện ra. Tới nay đã có hơn ba trăm phép lạ chữa lành bệnh tại Knock, tuy nhiên các phép lạ này không được khảo nghiệm và chứng minh theo tiêu chuẩn tại Lộ Đức.
Giáo quyền chưa có cơ hội xét và chính thức nhìn nhận sự kiện thiên đàng hiện ra tại Knock, vì hai lần ủy ban điều tra được thành lập đều không đem lại kết quả cuối cùng. Tuy nhiên mỗi năm vẫn có hàng ngàn người đến Knock để cầu nguyện và xin ơn.
Đức Mẹ hiện ra tại Knock, Ái Nhĩ Lan, được gọi là “Đức Mẹ Thinh Lặng” vì trong những lần hiện ra tại đây, Đức Mẹ không nói lời nào cả. Người ta coi việc Đức Mẹ hiện ra tại Knock là để an ủi và cứu trợ con cái Mẹ. Chính nhờ sự kiện này mà chỉ vài năm sau, một trận đói khác xảy ra tại vùng này, đã được các quốc gia lân bang gởi thực phẩm cứu trợ tới Ái Nhĩ Lan kịp thời.
Tới nay, thánh đường nhỏ tại Knock vẫn là một linh địa hành hương. Một phi trường được thiết lập phía ngoài Knock để thỏa mãn nhu cầu di chuyển. Đầu nhà thờ phía nam, nơi Đức Mẹ, thánh Giuse và thánh Gioan Tông Đồ hiện ra, nay được bao bằng kính.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tới viếng nhà nguyện Knock khi đến thăm Ái Nhĩ Lan. Việc Đức Thánh Cha tới thăm nơi thiên đàng hiện ra được coi là mặc nhiên công nhận sự việc.

–›Mẹ hiện ra