Hãy đến cùng Giêsu

Công Giáo - Mời Vào

Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn,
chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy hoạ. (Cn 13,20)

Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy. (Tv 119,9)

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. (Tv 126,5)

Nghĩa Trang Thai Nhi Ngọc Hồ



Nghĩa Trang Thiên Thần, Giáo xứ Ngọc Hồ
(xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế)

Xin Mẹ che chở các phôi thai


Chỗ này chỗ kia lại có tượng thiên thần ngồi khóc thương cho các hài nhi không bao giờ được sinh ra

Tôi không biết, em là trai hay gái.
Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi.
Có ngày tử, khi ngày sinh chưa đến.
Buộc chào đời, bằng cái chết oan khiên…

Nghĩa Trang Thai Nhi Ngọc Hồ là nghĩa trang thai nhi được hình thành đầu tiên tại Việt Nam từ đầu năm 1992, do sự khởi xướng của một số linh mục giáo phận Huế. Với tấm lòng của yêu thương của các ngài và sự cộng tác tích cực của một số anh chị em giáo dân mà nghĩa trang này đã  đang và sẽ là nơi yên nghỉ cho các thai nhi vô tội bị tước đoạt sự sống.

Thánh lễ cầu nguyện cho các thai nhi tại Đất Thánh Giáo Xứ Ngọc Hồ, các cha mặc áo màu đỏ

 

Vào ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, 28-12-2010

 

Theo như Nhóm Bảo Vệ Sự Sống, hôm nay là ngày bổn mạng của Nhóm

 

Lễ Các Thánh Anh Hài, cũng là ngày giỗ chung của các thai nhi nơi đây

 

Dâng Bánh

 

Dâng Rượu

 


Rước Lễ

Thánh Lễ đã kết thúc



Một thai nhi còn rất nhỏ



Các anh em Dòng Thánh Tâm Huế làm vệ sinh nghĩa trang thai nhi Ngọc Hồ



Nơi mà người ta gọi là vườn thánh hài nhi


Vườn thánh Ngọc Hồ, cách thành phố Huế khoảng 15km. Sau khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và dùng điểm tâm sáng, các anh em Đệ Tử Viện lại một lần nữa đi về Ngọc Hồ để làm vệ sinh nghĩa trang thai nhi, mọi người khởi hành rất sớm, dọc theo bờ sông Hương để đến với các em.

Những chiếc xe đạp nối đuôi nhau lên đường, tiếng đạp xe cọc cạch, ngôi nghĩa trang nằm heo hút bên sườn đồi và bên cạnh dòng Hương giang cô quạnh, những sinh linh bé nhỏ chưa có ngày sinh đã có ngày tử.

Công việc chính của anh em là nhổ sạch cỏ, trồng và tỉa các bồn hoa nơi các ngôi mộ tí hon, chặt các bụi cây rậm xung quanh nghĩa trang. Mọi người làm việc rất hăng say, mặc dù trời nắng, mồ hôi nhễ nhãi nhưng trên khuôn mặt anh em vẫn luôn vui tươi rạng rỡ. Đặc biệt là quý cha, quý thầy trong ban giám đốc cũng xắn tay áo lên tham gia với anh em Đệ Tử và tham gia rất nhiệt tình.

Cuối buổi, anh em cùng nhau đứng trước tượng Đức Mẹ tại nghĩa trang để đọc kinh, cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt là các thai nhi vô tội nơi đây. Không chỉ cầu nguyện cho người đã khuất, mà còn cầu nguyện cho những người đang sống, những ai đã nhẫn tâm vứt bỏ chính đứa con của mình. Và cầu cho sự sống được tôn trọng và được bảo vệ trong xã hội này.

Sau khi dùng cơm trưa, cơm gói mang theo, đoàn Đệ Tử Thánh Tâm từ biệt các em để trở về Dòng tiếp tục chương trình của mình. Tiếng xe lại cọc cạch cọc cạch, mọi người tràn ngập niềm vui vì đã góp chút công sức vào công việc tốt đẹp này.





Sáng Chúa Nhật 32 thường niên năm A ngày 6/11/2011, các bạn sinh viên tập trung tại Dòng Thánh Tâm Huế, để chuẩn bị cho cuộc hành trình thăm viếng nghĩa trang Thai Nhi Ngọc Hồ

Khoảng 250 bạn Sinh Viên đến từ Giáo Phận Vinh và một số Giáo phận khác đã nỗ lực đạp xe, vượt 15 km đường dài để đến với các Thai Nhi Nghĩa Trang Ngọc Hồ

Chào đón Sinh Viên tại Nhà Thờ Giáo Xứ, Cha Giô-gi-ô, Quản Xứ Ngọc Hồ rất vui vì đây là lần đầu tiên Giáo Xứ đón nhiều bạn sinh viên như sáng hôm nay, Cha cầu chúc mọi việc được tốt đẹp


Nhóm sinh viên chụp hình lưu niệm tại Nhà Thờ Giáo Xứ Ngọc Hồ

Rời nhà xứ mọi người tiến vào nghĩa trang

Không cha mẹ, không họ hàng thân thích tới thăm

Những ngôi mộ được quét sơn trắng nằm thẳng hàng khắp vùng đồi núi rộng lớn. Tất cả đều không có tên, chỉ ghi ngày tháng năm sinh trên cây Thánh Giá cắm ở đầu mộ


Làm cỏ và trồng hoa cho các ngôi mộ

Đúng 10 giờ 30, Thánh Lễ cầu nguyện cho các Hài Nhi do Cha Xứ Ngọc Hồ chủ tế



Qua bài giảng Cha Giogiô Nguyễn Thành Phương nhắn nhủ: chỉ có Thiên Chúa là Chủ Sự Sống, ai rồi cũng phải chết, phải ra đi, nằm xuống như bao hài nhi ở đây. Tất cả mọi tiền tài, danh lợi, vui thú đều qua đi như hoa phù du sớm nở chiều tàn, nhưng Đức Tin dạy cho các bạn biết sống khôn ngoan ở đời này, để chuẩn bị cho cái chết tất sẽ đến, và cho sự sống muôn đời


Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen

Sau giờ lễ, mỗi bạn chọn cho mình một phần cơm để lấy lại sức sau buổi lao động vất vả


Dù trời có mưa nhưng mọi người vẫn cảm thấy rất vui…



Hôm nay, 18/03/2012, hơn 100 bạn Sinh Viên Huế đã cùng nhau vượt 15 cây số đường trường để đến với các thai nhi nhỏ bé Nghĩa Trang Ngọc Hồ

Nơi tiếp nhận nhiều thai nhi nhỏ bé vô tội, từ nhiều nơi trong khắp thành phố Huế và nhiều nơi khác

Quét dọn, nhặt rác, làm sạch các ngôi mộ

Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng…

Sau hơn ba giờ lao động, mọi khó khăn vất vả được dâng cho Chúa và cầu nguyện cho các thai nhi, với giai diệu du dương trầm bỗng của những bản thánh ca về đời sống con người, về tình yêu Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu bên Ngài. Cùng với những cảm xúc thiêng liêng cao quý mà trong cuộc đời không mấy khi có thể cảm nhận được, mọi người chia tay trong niềm vui vì những gì mình đã làm, và ước mơ sẽ có ngày được trở lại ngọn đồi Ngọc Hồ để thăm các bé.

Các ngôi mộ được quét sơn trắng thẳng tắp

Bạt ngàn những ngôi mộ vô danh bé xíu giữa đồi hoang vắng



Nghĩa trang mỗi ngày đón tới 13-15 em

Mỗi ngôi mộ là nơi yên nghỉ của trên dưới chục em

Anh Năng đang chôn cất những hài nhi bị loại bỏ



Anh Năng nhặt lá quanh các ngôi mộ

Tuy nhỏ bé, nhưng có những phần mộ là ngôi nhà của 30-40 và cả gần 100 em



Tôi không biết, em là trai hay gái
Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi
Có ngày tử, khi ngày sinh chưa đến
Buộc chào đời, bằng cái chết oan khiên…
Tôi muốn biết, những điều em muốn biết
Tội lỗi nào đã tạo tác tử sinh
Những lời kinh, rời đôi môi tắt nghẹn
Ngọn nến hồng, chưa kịp sáng lung linh…

Bên tả ngạn của dòng Hương Giang, thuộc xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Cuộc sống của hơn 450 giáo dân thôn Ngọc Hồ phía trước là sông, phía sau là núi đồi, thật bình dị mộc mạc với công việc đi củi, đốt than, trồng ngô, trồng đậu... không có chợ búa, một con đường làng duy nhất, được bê tông hoá chạy dọc theo bờ sông, cũng đủ cho một chiếc xe gắn máy chạy thong thả. Nếu mà chỉ như thế thôi, thì ở đây chẳng có gì đáng chú ý!
Điều đáng chú ý nơi đây, phía trên đồi ở sau nhà thờ giáo xứ có một nghĩa trang, nghĩa trang này không giống như các nghĩa trang khác, nghĩa trang dành riêng cho những hài nhi không bao giờ được sinh ra.
Nghĩa Trang Thai nhi Ngọc Hồ là nghĩa trang được hình thành đầu tiên tại Việt Nam từ đầu năm 1992, do sự khởi xướng của một số linh mục giáo phận Huế. Với tấm lòng yêu thương của các ngài và sự cộng tác tích cực của một số anh chị em giáo dân, mà nghĩa trang này đã  đang và sẽ là nơi yên nghỉ cho các thai nhi vô tội bị tước đoạt sự sống.
Ý thức tinh thần thương người có 14 mối, thương linh hồn 7 mối, thương xác 7 mối, mối thứ 7 của thương xác là: “chôn xác kẻ chết”. Đáp lời kêu gọi bảo vệ sự sống, đã có những anh chị em giáo dân tích cực tìm kiếm xác các thai nhi để đưa lên an táng nghĩa trang này. Tại đây có 2 người chuyên lo việc an táng các thai nhi được thu lượm về, là anh Gioan Baotixita Trương Văn Năng và anh Anrê Tống Viết Hiếu.
Những buổi ban đầu công việc còn nhiều khó khăn, chưa được công khai, có những đêm khuya, không có đò đưa sang sông, anh Hiếu phải mang những cái thi hài bé bỏng bơi sang sông Hương để kip an táng trước lúc trời sáng. Từ năm 1992 cho đến 1999, các nấm mồ đơn sơ chỉ được đắp lên bằng đất mà thôi, nhưng từ năm 2000 đến nay, nhờ sự giúp đỡ của các linh mục, của một số ân nhân, các nấm mồ đã được xây bằng xi-măng.
Trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, cái hành động tội lỗi này lại chiếm tỉ lệ rất cao và ngày càng tăng nhanh ở lứa tuổi vị thành niên, những gương mặt non trẻ xuất hiện ở các cơ sở nạo phá thai ngày một nhiều. Anh Năng, người chăm sóc nghĩa trang cho biết: Các Thai nhi ở đây hầu hết là của các bạn học sinh sinh viên, thậm chí có bạn mới 12 tuổi, thỉnh thoảng vẫn có những người mẹ, người cha đến đây để tìm con mình, họ thắp nén nhang, cắm mấy nhánh hoa rồi ra về.
Việc trông nom, an tang cho các thai nhi xấu số ở đây do anh Trương Văn Năng và anh Tống Viết Hiếu thực hiện. Hằng ngày các thai nhi xấu số bị nạo phá ở TP.Huế được các anh gom về để chôn cất. Từ khi nghĩa trang được thành lập với mong muốn là một nơi an nghỉ cho những sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời, anh Năng và cha anh đã tình nguyện phụ trách việc tẩm liệm, chôn cất cho các hài nhi. Sau khi cha qua đời, anh vẫn nguyện tiếp tục công việc này với sự giúp sức của vợ con và những người dân trong thôn. Ngoài anh, nhiều người dân khác cũng âm thầm đi nhặt thai nhi. Cuối ngày, khi nghe họ gọi điện thông báo là anh Hiếu và anh Năng thay phiên nhau về thành phố đưa các em lên.
Các em thường được đưa về trong túi ni-lông, các anh gói ghém lại cẩn thận rồi bỏ vào một hủ sành, có khi là chiếc om đất. Cũng có nhiều người tự nguyện đưa lên tận nhà để anh Năng, anh Hiếu kịp an táng cho các em. Anh Hiếu chia sẻ: “Nhiều khi nhận các em, trời đã tối, nhưng cũng phải chôn các em ngay trong ngày, để qua đêm, các em lạnh lẽo, thương lắm!”
Anh Năng tâm sự: Mọi người ở đây đều đau đáu mong mỏi những nấm mồ được đặt tên người ruột thịt, nhưng đến nay mới chỉ có một vài nấm mồ có đánh dấu “mật hiệu” để nhận biết, còn lại hầu hết các nấm mồ đều không tên tuổi và không có một người thân nào tiễn đưa hay viếng thăm, nhỏ nước mắt dù chỉ một lần!
Ngày ngày, anh Năng “hạ sơn”, lặn lội qua sông Hương, băng rừng hơn 20 cây số về TP.Huế quy tụ các hài nhi từ những thiện nguyện viên lượm lặt rồi đem về cùng anh Hiếu chôn cất. Chiều tối về nhà, “hành trang” của anh thường có xác hài nhi để mang về chôn. Các bào thai anh nhận từ những người tình nguyện đi gom hoặc anh tự đi lượm được ở gốc cây, thùng rác...
Trung bình một ngày có 13 đến 15 em được mang về đây, có ngày lên tới 20 em, số lượng các hài nhi cứ tăng dần theo thời gian. Các em nhỏ thì được đặt trong các om như nấm đất, những em lớn hơn thì đặt trong tiểu. Theo anh Năng thì mỗi ngôi mộ là nơi yên nghỉ của 5-7 linh hồn bé bỏng. Đó là cách để giảm kinh phí và tiết kiệm đất cho những em đến sau, khi số lượng các em đổ về đây tăng lên mỗi ngày. Hơn nữa, chôn các em với nhau cũng là để cho các em ấm áp, vui vẻ và đỡ cô đơn. Khác nhau về tháng tuổi, mẹ cha, nhưng các em có cùng chung số phận là bị chối bỏ.
Anh Năng kể, ngày trước một mộ chỉ chôn một em nhưng sau này do diện tích thu hẹp nên anh phải chôn chung cả chục em với nhau, có khi nhiều hơn nữa. Khi mới thành lập, những nấm mộ chỉ bằng đất sơ sài, nhờ sự giúp đỡ của nhiều tổ chức từ thiện, mộ được xây bằng bê tông và quét vôi trắng xóa. Hàng tháng, mặc dù bận rộn với việc mưu sinh nhưng những người dân Ngọc Hồ vẫn thay phiên nhau đến nghĩa trang làm cỏ, quét dọn vệ sinh và thắp nhang cho hàng vạn sinh linh bé bỏng này.
Mỗi thai nhi đưa về đều được ghi rõ thông tin ngày tháng, địa điểm nhặt xác, nguồn gốc nếu có… vào trong những cuốn sổ. Hằng ngày anh Năng, anh Hiếu thay nhau chăm sóc, quét dọn, nhổ cỏ, quét vôi cho phần mộ của các em. Đi dọc nghĩa trang, từng ngôi mộ đều ghi rõ ngày tháng lập, số thai nhi. Anh Năng cho biết nhờ ghi lại mốc thời gian này mà nhiều người cha, người mẹ khi đến đây có thể tìm ra mộ để thắp hương cho con mình. Thế nhưng cũng có không ít người chẳng biết con mình đã nằm trong nắm mộ nào, bởi có ngày do có quá nhiều thai nhi, anh Năng phải đào đến vài huyệt mộ.
Những ngày rằm, mùng một đến nghĩa trang này, không ít cô gái trẻ đi một mình, hay đôi trai gái dò dẫm từng nấm mồ để xác định con mình nằm đâu mà thắp nhang. Rồi có cô gái không tìm ra được con, đành thắp nhang cho nhiều ngôi mộ và khóc nức nở. Khi bắt gặp ánh mặt lạ, họ lại lầm lũi ra về…

Sinh viên quét sơn cho mộ các bé


Về cùng Giêsu