Hãy đến cùng Giêsu

Công Giáo - Mời Vào

Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn,
chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy hoạ. (Cn 13,20)

Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy. (Tv 119,9)

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. (Tv 126,5)

Đức Mẹ Guadalupe 4



Vài trăm năm sau khi nền văn minh Maya suy vong, đế chế Aztec trở thành một lực lượng hùng mạnh ở Mexico và Trung Mĩ. Khoảng giữa những năm 1300 và 1500, nhóm người này đã chiếm hữu đất đai từ miền trung Mexico đến Guatemala, El Salvador, và Honduras. Thành phố Tenochtitlán, tại vị trí Mexico City ngày nay, là thủ phủ của đế chế Aztec.
Người Aztec có tay nghề cao, họ xây dựng đường giao thông, cung điện, đền đài tráng lệ và các thành phố lớn, lịch của họ là chính xác nhất thế giới.
Các vị thần giữ vai trò quan trọng đối với người Aztec, nó trở thành một phần cuộc sống của họ. Các tượng thần được thờ cúng ở các đền trên khắp các thành phố và thị trấn. Như một nghĩa vụ thiêng liêng, họ thường tổ chức các nghi lễ hiến tế, để cung cấp máu và trái tim của con người làm thức ăn cho các vị thần của họ, và hàng nghìn người bị sát tế trên bàn thờ các vị thần. Những người bị sát tế có thể là những trẻ em hay người lớn, các tù binh, những người ở các bộ tộc lân cận hoặc bất cứ ai mà họ bắt được. Có thời điểm mà vào dịp quan trọng, số người phải hy sinh cho các vị thần của họ lên tới khoảng 80.000 người, cuộc sát tế diễn ra trong bốn ngày.
Năm 1519, khi những người Tây Ban Nha bắt đầu đặt bàn chân xâm lược lên vùng đất của họ, tiếp theo đó là nhiều tháng giao tranh ác liệt, khoảng tháng 8 năm 1521, thành phố thủ đô của người Aztec cũng như đế chế của họ bị phá hủy. Bên cạnh đó, với ước muốn cao đẹp, các nhà truyền giáo đã cố gắng để rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô tại vùng đất còn hoang sơ tăm tối này, nhưng kết quả thu được là rất ít. Do sự khác biệt giữa các nền văn hóa, sự hiểu biết của họ thật  khó khăn, điều này vẫn kéo dài cho đến năm 1531, khi Đức Mẹ hiện ra với thánh Juan Diego, một người tân tòng trong số họ.
Hình Đức Mẹ in trên chiếc áo choàng tilma của thánh Juan Diego vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Từng chi tiết trên bức hình đều mang những ý nghĩa đặc biệt và có thể dễ dàng hơn để hiểu được đối với người dân bản địa nơi đây. Nó cũng như một thông điệp từ trời mà người ta tin rằng Đức Trinh Nữ Maria đã làm điều này để những người da đỏ Aztec có thể đọc và hiểu được một cách nhanh chóng.
Trong văn hóa của họ, những người dân bản địa đã phát triển một hình thức văn bản của hình ảnh và biểu tượng. Họ được đào tạo tốt để đọc hiểu ý nghĩa các kiểu diễn đạt như màu sắc, vị trí, hình dạng và các ký hiệu. Những gì họ nhìn thấy trong hình ảnh Đức Mẹ, là cầu nối văn hóa giúp họ có thể hiểu được và đón nhận tinh thần của Tin Mừng, đón nhận nền văn hóa và văn minh mới, văn hóa sự sống và văn minh tình yêu – văn minh Kitô Giáo.
“Guadalupe” cũng có nghĩa là “đạp đầu con rắn”, tượng trưng cho ma quỷ hay các thần tượng giả tạo, chỉ dẫn tới sách Sáng Thế đoạn 3,15 về lời tiên báo thần dữ hay các thiên thần phản loạn sẽ bị đánh bại.
Vài ý nghĩa cơ bản của bức hình Đức Mẹ Guadalupe:


Khuôn mặt
Đức Mẹ xuất hiện với hình ảnh một thiếu nữ trẻ. Đó là khuôn mặt một người mẹ dịu dàng từ bi, không giống như các vị thần Aztec đáng sợ với vẻ mặt ác liệt.
Trên khuôn mặt Đức Mẹ có sự kết hợp của người bản xứ và Tây Ban Nha, với những nét hài hòa giữa Ấn Độ và Âu Châu, đại diện cho sự thống nhất và hội nhập của tất cả mọi người trong gia đình Thiên Chúa, trong một nền văn minh mới của tình yêu và sự sống , đầy đủ và hoàn chỉnh.
Ánh mắt nhìn xiên như hình ảnh một người mẹ nhìn đứa con của mình với lòng yêu thương, sự dịu dàng và bảo vệ - thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với nhân loại.
Đồng thời, khuôn mặt với vẻ hiền từ và ánh mắt hướng xuống biểu hiện sự khiêm nhường, điều này thường không giống với một vị thần, thần thì phải đáng sợ, các vị thần của họ sẽ không nhìn xuống nhưng nhìn thẳng về phía trước.



Thiên thần nâng đỡ Đức Trinh Nữ được coi như một biểu tượng cho sự khởi đầu mới. Thiên thần thường với vai trò là sứ giả. Ở đây, một thiên thần lạ với sắc diện thổ dân (áo tay dài mầu hồng) nắm giữ hai mặt áo, vừa mang dáng vẻ của một đứa trẻ vừa có nét cho thấy đã nhiều tuổi, thể hiện một cái gì đó vừa cũ và vừa mới. Hai tay thiên thần nắm giữ hai mặt áo, tay trái giữ áo khoác trong màu hồng đỏ, tay phải giữ áo choàng ngoài màu ngọc lam, thể hiện sự kết nối giữa trời với đất, trời và đất là chứng nhân cho sự thật của cuộc hiện ra.
Đôi cánh thiên thần không giống chim bồ câu, nhưng một con đại bàng, với ba màu sắc: một màu xanh lá cây đậm, một màu vàng hoặc trắng ngà, và cuối cùng là màu đỏ. Thiên thần này được gọi là “Thiên hần của Đức Trinh Nữ Guadalupe”.
Đại bàng là con chim mặt trời thiêng liêng trong văn hóa của họ. Theo người dân bản địa, đại bàng là loài chim có thể bay cao nhất, đó là con đại bàng mang trong móng vuốt của nó trái tim và máu của các nạn nhân đã phải bị hy sinh để hiến tế cho các vị thần của họ.
Nhưng thiên thần với đôi cánh đại bàng ở đây mang một ý nghĩa khác. Đó là thiên thần đến từ Thiên Chúa, ngài không phải là bạn của những người dự định để nuôi các vị thần với máu và trái tim của các nạn nhân. Thiên thần sẽ không đến để lấy đi sự sống và trái tim, nhưng để đem lại sự sống, đem đến lương thực thần linh nơi Chúa Giêsu Thánh Thể - Đấng ban chính mình làm của ăn nuối sống mọi tâm hồn. Như vậy, Đức Trinh Nữ Guadalupe được trình bày như là Đức Mẹ Thánh Thể.


Một dấu Thánh Giá nhỏ trên cổ nhắc nhớ đến Chúa Giêsu, biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa.

Đối với người dân bản địa, huy hiệu này gợi lên hình thức thánh hiến cũ, khi họ sử dụng để hiến dâng vị thần của họ bằng cách đặt một huy hiệu gương trên cổ của các tác phẩm điêu khắc mà họ muốn cho dấu hiệu thánh hiến, huy hiệu như vậy thường được làm bằng đá quý đánh bóng, mà nó trở thành một tấm gương thực sự, khi đó bất cứ ai chiêm ngưỡng bức tượng sẽ thấy hình ảnh của mình nhờ vào tấm gương này.



Mặt trời và mặt trăng cũng là biểu tượng cho các vị thần của người bản địa. Mặt trăng đại diện cho thần của bóng tối và sự chết (như con rắn có lông vũ Quetzalcoatl). Hình ảnh Đức Mẹ giẫm chân trên mặt trăng, là một dấu hiệu cho thấy những quyền lực của bóng tối và sự chết đã bị đánh bại.
Mặt trời được xem là vị thần lớn nhất của người Aztec (Huitzilopochtli). Bằng cách đứng ở phía trước và che lấp mặt trời, ám chỉ rằng Mẹ lớn hơn tất cả các vị thần mà người Aztec thờ phụng. Ta thấy từ Đức Mẹ phát ra 129 tia sáng,  62 tia ở bên phải và 67 tia bên trái, những tia sáng thẳng như thanh kiếm và nhấp nhô như ngọn lửa xen kẽ nhau đều đặn.
Hình ảnh Đức Maria đứng trước mặt trời, như trong hiện tượng nhật thực, mặt trời bị nuốt chửng. Đối với người Aztec, mỗi nhật thực được coi là một sự kiện khủng khiếp, mặt trời bị nuốt chửng, một điềm xấu tồi tệ nhất, bởi vì họ hiểu nó là sự kết thúc của thế giới.
Các dấu hiệu trên bức ảnh Đức Mẹ nói lên sự kết thúc của thế giới cũ tăm tối, và khởi đầu một thế giới mới với mặt trới mới, Chúa Giêsu Kitô – Mặt Trời công lý.
Hình ảnh mặt trời và mặt trăng cũng làm ta liên tưởng đến đoạn chương 12 trong sách Khải Huyền, về hình ảnh người phụ nữ và con mãng xà:

1 Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.2 Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.3 Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện.4 Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.5 Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.6 Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

7 Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến.8 Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa.9 Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.10 Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:
"Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì kẻ tố cáo anh em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài.

11 Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên
và nhờ lời họ làm chứng về Đức Ki-tô:
họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết.

12 Nào thiên quốc cùng chư vị ở chốn thiên đình,
hãy vì đó mà mừng vui hoan hỷ!
Khốn cho đất và biển, vì ma quỷ đã xuống với các ngươi,
nó giận điên lên vì biết rằng nó chỉ còn một ít thời gian."

13 Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai.14 Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, ở xa Con Rắn.15 Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi.16 Nhưng đất cứu giúp bà: đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng Con Mãng Xà phun ra.17 Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su.18 Rồi nó đứng trên bãi cát ngoài biển. (Kh 12,1-18)



Dây thắt lưng và hoa bốn cánh
Trên áo khoác Đức Mẹ được trang trí với những hình ảnh lạ, vừa giống hoa, vừa giống những biểu tượng.
Hình dạng eo cũng như dây thắt lưng đen và một hoa (hoa nhài) bốn cánh duy nhất biểu hiệu việc Đức Trinh Nữ có thai. Thắt lưng buộc theo kiểu Náhualt, biểu hiện giai đoạn cuối cùng của một chu kỳ, và sự ra đời của một thời đại mới. Đối với người da đỏ bản địa, hoa bốn cánh có nhiều ý nghĩa, nó còn tượng trưng cho bốn hướng của vũ trụ, mỗi hướng chi phối bởi một vị thần khác nhau, ở đây, thiết kế hoa bốn cánh này tượng trưng cho vị thần cao cả nhất, là trung tâm của vũ trụ, ám chỉ đến Thiên Chúa Toàn Năng. Trong bức hình của Đức Trinh Nữ Guadalupe có nghĩa là qua Chúa Giêsu Kitô, một thời đại mới sẽ bắt đầu cho cả thế giới cũ và mới.
Thực tế, cuộc gặp gỡ diễn ra vào mùa đông 1531 là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, thông qua Đức Trinh Nữ Maria mang trong mình Hài Nhi Giêsu. Đức Mẹ như một Nhà Tạm sống động và xinh đẹp nhất của Thiên Chúa. Với việc cưu mang Chúa trong cung lòng, Đức Mẹ xuất hiện như một Người Nữ của hy vọng và niềm vui, vì qua Mẹ, Chúa Giêsu được ban cho nhân loại.

Hình hoa trên áo và một hoa bốn cánh giữa lòng Mẹ


Chín bông hoa vàng trên áo Đức Mẹ đại diện cho sự thật của nền văn minh tình yêu Thiên Chúa, được hình thành trong Chúa Giêsu Kitô.
Đức Mẹ xuất hiện trên đồi Tepeyac, đồi được bao phủ bởi hoa hồng và tiếng nhạc như tiếng chim hót. Đối với người dân bản địa, hoa và các bài hát có nghĩa là sự thật đầy đủ.
Với người dân bản địa, hoa có một ý nghĩa và sự tôn kính đặc biệt, mỗi bông hoa xinh đẹp biểu thị sự thật và sự sống tiếp diễn sau khi chết. Những hoa tám cánh (8 hoa) nằm rải rác đại diện cho vùng núi. Trên những bông hoa lớn (9 hoa), có những hoa nhỏ bao quanh nó. Hình hoa trên áo Đức Mẹ được coi như một biểu tượng của sự thật tinh khiết, hoa đẹp này đại diện cho chân lý bởi trời.
Khi so sánh hoa này với các văn bản pictographic, hoặc glyphs, hoặc codices bản địa. Phần ngọn hoa được trình bày theo hình thức ngọn đồi, một phần gốc được trình bày giống như dòng sông. Sự kết hợp này, đồi và nước, đại diện cho khái niệm của nền văn minh.
Bên cạnh đó, ngọn đồi còn gợi lên trong tâm trí một ngôi đền, đối với những người bản địa, một ngôi đền được coi là một ngọn đồi thiêng liêng, là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.
Ngoài ý nghĩa như hoa, ngọn đồi và đền thờ, nó cũng có dạng của một trái tim, và thân cây, hoặc con sông, có hình dạng của động mạch. Với trái tim và máu, các biểu tượng này đại diện cho tình yêu và sự sống. Như vậy, hình ảnh hoa - đồi - ngôi đền - trái tim và thân cây - sông - động mạch, thể hiện một thông điệp về sự sống kết hợp kỳ diệu với Thiên Chúa.
Nếu để ý quan sát bên trong của hình ảnh này, chúng ta phát hiện ra một khuôn mặt, với đôi mắt, mũi và miệng, là khuôn mặt người trong trái tim. Một khái niệm bản địa, “người đàn ông khôn ngoan” là người có khả năng đưa một khuôn mặt con người vào trong trái tim của người khác. Nói cách khác, người đàn ông khôn ngoan là người có khả năng nhân tính hoá trái tim của người khác, cho anh ta một trái tim có tính người, có lòng nhân đạo và biết yêu thương.
Điều này gợi đến một đoạn trong sách ngôn sứ Êdêkien (Kinh Thánh Cựu Ước), Thiên Chúa sẽ ban thần khí mới và làm cải biến trái tim con người:
“ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Từ muôn dân, Ta sẽ tập hợp các ngươi lại; từ muôn nước, nơi các ngươi bị phân tán, Ta sẽ quy tụ các ngươi về và Ta sẽ ban cho các ngươi đất Ít-ra-en.18 Chúng sẽ trở về đó và loại đi mọi thứ gớm ghiếc và ghê tởm.19 Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt,20 để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.21 Còn những ai để lòng dạ đi theo các đồ gớm ghiếc và ghê tởm của chúng, Ta sẽ căn cứ vào lối sống của chúng mà hạch tội - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.” Ed (11, 17-21)
Kết hợp với các khía cạnh khác nhau, để tiến đến một chút gần gũi hơn với ý nghĩa đầy đủ hơn. Một quà tặng được ban cho nhân loại, Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng Mẹ Vô Nhiễm được bao quanh bởi các biểu tượng của một nền văn minh mới, văn minh tình yêu. Nền văn minh này bao gồm đầy đủ chân lý và sức sống từ Thiên Chúa, được hình thành trong Chúa Giêsu Kitô.


Với áo choàng màu xanh lá cây thể hiện vũ trụ, các ngôi sao trên áo choàng của Đức Mẹ giống hệt các chòm sao xuất hiện trên bầu trời ngày 12 tháng 12 năm 1531. Các ngôi sao này báo hiệu sự kết thúc đế chế của họ và khởi đầu của một nền văn minh mới.
Hình ảnh Đức Trinh Nữ được thể hiện như là một Người Nữ của trời và đất. Áo dài màu hồng đỏ tượng trưng cho đất, áo khoác màu ngọc lam tượng trưng cho trời. Màu xanh ngọc lam còn tượng trưng cho hoàng tộc, màu hồng đỏ còn tượng trưng cho tình yêu của Mẹ, cũng như tình yêu và sự hy sinh của Chúa Giêsu.
Trang phục Đức Mẹ không giống người Aztec, cũng không phải người Tây Ban Nha, nhưng điển hình được mặc bởi phụ nữ Do Thái vào thời điểm của Chúa Kitô. Cuối tay áo cuộn lại, màu trắng, đó là cách ăn mặc theo giới quý tộc Do Thái.
Các biểu tượng hoa văn trên áo Đức Mẹ mang nhiều ý nghĩa. Bằng cách áp đặt một bản đồ địa hình trung ương Mexico, người ta thấy những ngọn núi, sông hồ chính trùng với các trang trí trên trang phục của Đức Mẹ.
Bên cạnh đó, hình ảnh Đức Trinh Nữ Guadalupe được thể hiện trong những đám mây. Sương mù và những đám mây đại diện cho nguồn gốc thần thánh. Nghĩa là Đức Mẹ bởi trời cao, từ nơi thiên đàng mà đến, Mẹ là sự hiện diện hữu hình cho sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa.
Với sự kết hợp hài hòa màu sắc, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao… Đức Maria được thể hiện là nữ hoàng trời đất, nhưng tất cả đặc biệt hướng đến người Con mà Bà đang cưu mang, Chúa Giêsu Kitô, trung tâm của sứ điệp. Đức Maria đóng vai trò người dẫn dắn chúng ta đến với Con của Mẹ, Đấng ban sự sống và cứu độ muôn loài.

 

 

Với tư thế rất quen thuộc, hai tay khép lại, Đức Trinh Nữ là một phụ nữ cầu nguyện, đó không phải là một nữ thần, còn có một người nào đó lớn hơn. Ngón tay út Đức Trinh Nữ tách rời với các ngón khác, ám chỉ phải tin thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất.

Đối với những người bản địa, cầu nguyện được thể hiện không chỉ bởi bàn tay, nhưng toàn bộ cơ thể. Trong những lễ hội thiêng liêng cũng như những nghi lễ của họ, cầu nguyện là một yếu tố quan trọng. Với những hoa hồng và những thứ màu xanh lá cây tươi sáng, những tiếng hô trang trọng cùng với những điệu múa… ngay cả các hoàng đế cũng sẽ hợp với người dân của mình trong lời cầu nguyện, nhảy múa và ca hát cho vị thần của họ.

Trong hình ảnh trên áo choàng tilma, với đầu gối hơi uốn cong, Đức Mẹ Guadalupe được thể hiện ở một tư thế của cầu nguyện và nhảy múa. Hai tay Đức Mẹ khép lại trước ngực trong tư thế cầu nguyện quen thuộc, giữa hai tay có hình hoa tim, thể hiện trái tim Đức Mẹ với cả tình yêu và hy sinh trong cầu nguyện và tận hiến cho Thiên Chúa. Hơn nữa, hình ảnh hoa tim giữa hai bàn tay Đức Mẹ còn thể hiện trái tim của mỗi con người, mà Đức Mẹ đoái thương gìn giữ che chở, cầu thay nguyện giúp và dâng hiến họ cho Chúa.


Đối với người bản địa, các thiếu nữ chưa kết hôn sẽ để tóc của họ buông lỏng lẻo. Nếu quan sát các phụ nữ đã có chồng, họ không để thả tóc thẳng nhưng cuộn lên gọn gàng, quanh đầu, tựa như cái sừng nhỏ, đó là dấu hiệu phụ nữ đã kết hôn.

Trở lại với bức ảnh, khi người da đỏ nhìn thấy mái tóc của Đức Mẹ Guadalupe, ngay lập tức họ biết rằng đó là dấu hiệu của sự trinh khiết.

 


 

1  2  3  4  5
Về cùng Giêsu