KHỞI ĐIỂM CỦA CHÚNG TÔI
Chúng tôi đã tường thuật nhiều chuyện về những trường hợp quỷ ám cũng như quỷ nhập. Vì thế, từ nay chúng ta có thể bác bỏ một số những khẳng định tự nhận là khoa học. Nhưng khẳng định đó cho rằng tin ma quỷ thực sự hiện hữu và hoạt động trong thế giới là một niềm tin sai lầm, mê tín: những khẳng định như thế đã không tồn tại hoài theo thời gian. Chúng ta hãy đưa ra một thí dụ điển hình cho thấy cái mà người ta gọi là khoa học đã coi thường những giáo huấn của thần học Công giáo như thế nào. Không gì quả quyết hơn như chúng ta sẽ thấy, nhưng theo thiển ý của chúng tôi, thì cũng không có gì hẹp hòi và sai lầm hơn.
Năm 1884, bác sĩ Legué đã xuất bản một cuốn sách nhan đề Urbain Grandier et les possedés de Loudun (Urbain Grandier và những người bị quỷ nhập ở Loudun). Tác giả đã kiên quyết tuyên bố không ngần ngại rằng:
"Khoa học ngày nay đã cởi bỏ cái ách của Thần học. Để giải thích sự vật, khoa học không cần phải nại đến ảnh hưởng của ma quỷ hay thần thánh. Từ lâu các nhà bác học nổi tiếng đã nghiên cứu những bệnh thần kinh kỳ dị mà ngày xưa được coi là những bệnh siêu nhiên. Nhờ công việc của họ, nhờ những ảnh hưởng tốt đẹp mà họ đã để lại cho những nghiên cứu hiện đại, nên Satan, một hữu thể tưởng tượng, đã hoàn toàn biến mất. Chắc chắn nó đã nhường chỗ cho một thực tại khoa học. Cũng như tất cả những bệnh nhân khác, những người bị chứng điên loạn đều thuộc quyền giải quyết của các y sĩ, chứ không thuộc quyền giải quyết của các linh mục hay của các tu sĩ trừ tà nữa" (Trích trong Satan dans la Cité của M. de la Bigne de Villeneuve, Paris, s.d., p.50).
Những ý kiến của bác sĩ Legué không còn là ý kiến của tất cả các y sĩ nữa. Gần chúng ta hơn rất nhiều có giáo sư Jean Lhermitte, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng, vừa mới qua đời (tháng 2.1959), đã phát biểu theo một tinh thần khác hẳn, trong tạp chí Ecclesia tháng 10.1954 dưới một nhan đề rất gợi ý: Người bị quỷ nhập có phải là người điên không?
Chính ông đã viết một cách khẳng định:
"Tinh thần phê bình và khoa học đã làm tan biến nhiều đám mây, đã phá đổ nhiều huyền thoại, tuy vậy, thế giới hiện nay vẫn còn một con số đáng kể những người bị quỷ nhập. Tôi quả quyết điều này dựa trên kinh nghiệm cá nhân và lâu năm của tôi".
Vậy, chúng ta có thể tin rằng ma quỷ hiện hữu, ám ảnh quấy nhiễu con người, tin vào hiện tượng quỷ nhập, mà không sợ mâu thuẫn với khoa học, dẫu là thứ khoa học có những đòi hỏi nghiêm khắc nhất.
Đối với người Công giáo, Satan là một hữu thể có ngã vị (il est Quelqu'un). Satan không phải là một ý niệm trừu tượng, một sản phẩm của trí tưởng tượng, một nhân vật hư cấu, hay một tên xảo quyệt chỉ có trong tiểu thuyết. Satan cũng không phải là một danh hiệu trong huyền thoại được đặt ra do sự dốt nát về những chứng bệnh thần kinh chỉ thuộc phạm vi chữa trị của y học, không liên quan gì tới thần học cả.
Nhưng chúng ta đừng quên điều này, những sự kiện chúng tôi đã trình bày không phải là điều cốt yếu trong hành động của ma quỷ nơi con người. Người ta có thể so sánh những sự kiện về quỷ nhập với những biểu hiện tương tự nhưng theo chiều hướng ngược lại, như những lần hiện ra của Đức Trinh Nữ hay của các thánh. Sở dĩ có những cuộc hiện ra này là để đánh động tinh thần con người, và để đức tin của các tín hữu thêm sống động. Nhưng điều vô cùng quan trọng hơn là tác động của Thiên Chúa, của Đức Trinh Nữ và của các Thánh trên con người bằng ân sủng, một cách thân mật, sâu xa, hằng ngày hay nói đúng hơn là không ngừng.
Cũng vậy, việc Satan hiện diện và hoạt động trong các thể chế, phong tục, trong đời sống của con người - cá nhân, gia đình, quốc gia, cũng như quốc tế - như chúng tôi đang cố gắng mô tả, là một cái gì rộng rãi hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều, và đáng sợ hơn nhiều đối với tất cả chúng ta. Một phụ nữ đáng thương bị quỷ nhập, bị Satan điều khiển, bị hành hạ bằng đủ mọi hình thức thô lỗ nhất như chúng ta đã thấy, thật là tội nghiệp cho chị, đồng thời gây một ấn tượng mạnh đối với chúng ta. Nhưng một sự kiện khác còn khủng khiếp hơn gấp trăm ngàn lần, đó là toàn thể các quốc gia trên thế giới, một cách nào đó, đang sống dưới ách của ma quỷ, tới mức độ có thể nói là bị chứng quỷ nhập tập thể, dường như đó là những gì đang xảy ra dưới mắt chúng ta. Và hậu quả của sự việc này thật là kinh khủng.
NHỮNG CÁCH PHÂN BIỆT
Sách Các phép có chỉ cho chúng ta những dấu hiệu để phân biệt chứng quỷ nhập với chứng điên loạn thần kinh, vì hai chứng ấy khác nhau rất xa. Nhưng chúng ta có thể áp dụng những chỉ dẫn đó cho sự kiện mà chúng ta vừa gọi là quỷ nhập tập thể không? Thật khó mà quả quyết được. Chúng tôi chỉ dám phỏng đoán thôi. Sách Các phép đâu có nói đến việc trừ quỷ cho các quốc gia hay cho toàn thể nhân loại! Một Giáo Hoàng sáng suốt như Đức Lêô XIII mà tin rằng phải thêm vào mỗi thánh lễ tư một nghi thức trừ quỷ rõ ràng bằng lời kêu cầu thánh Micae, chắc chắn sự việc đó chứng tỏ ngài tin rằng, thời nay vẫn có những chuyện ma quỷ quấy nhiễu. Căn cứ trên sự kiện nào mà ngài tin như vậy? Làm sao nhận rõ được sự hiện diện của Satan trong thế giới ngày nay? Tất cả vấn đề là ở chỗ đó.
Trong việc giải quyết vấn đề, cần phải tránh hai nguy hiểm này: Thứ nhất là quan niệm cho rằng chỗ nào, lãnh vực nào cũng có Satan, đến nỗi con người không còn trách nhiệm về việc mình làm nữa. Thứ hai là quan niệm cho rằng không nơi nào có Satan cả, mọi hỗn loạn mà chúng ta đang kinh hãi chứng kiến đều là do ác tâm của con người mà ra, Satan không có vai trò nào hết.
Thực ra, cả ma quỷ lẫn con người đều có thể góp phần gây ra những đau khổ và hỗn loạn đang làm chúng ta phải phàn nàn, hoặc đang đe doạ chúng ta, hoặc đã xảy đến với chúng ta.
Chúng ta vẫn hãnh diện được làm một chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô. Song song với Thân Thể đó, cũng có hoặc có thể cũng có thân thể mầu nhiệm của Satan, trong đó qui tụ tất cả những đầu óc bất lương của thế giới và hoả ngục.
Trong một bản văn mà sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh dành cho các giáo sĩ đọc, vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay. Đức Grêgôriô Cả nói với chúng ta:
"Chắc chắn ma quỷ là thủ lãnh của tất cả những kẻ gian ác, và tất cả những kẻ gian ác đều là chi thể của cái đầu này."
Ngài có kể ra một vài người được coi là "chi thể" của cái thân thể ma quỷ này, như Philatô, những tên lý hình đã đóng đinh Chúa Kitô, v.v...
Cứ theo lẽ ấy thì khó mà có ai thoát khỏi một đôi lần làm "chi thể của Satan", cho dẫu là Kitô hữu.
Nhưng khi người ta biết hối hận về tội lỗi mình, thì tội lỗi ấy được rút lại một cách nhanh chóng như lúc người ta phạm tội. Lúc đó, người ta không còn thuộc về Satan nữa và tội lỗi đó chỉ còn là một tai nạn, một bước lầm lỡ, một sự sa ngã, nó không cản trở bước tiến của con người về phía trước.
Thân thể mầu nhiệm của Satan bao gồm những người a dua theo nó, tự nguyện làm những gì nó đề nghị, hoặc sống theo sự thôi thúc hay theo những nguyên tắc của nó.
CÁCH THỨC BIỂU LỘ CỦA SATAN
Chúng ta hãy đi sát vấn đề hơn. Vấn đề là: làm sao nhận ra được sự hiện diện của Satan? Hãy tìm câu trả lời trong các sách Tin Mừng, đó là nguồn mạch ánh sáng của chúng ta.
Đức Giêsu đã nói nhiều điều về Satan mà chúng ta cần phải sưu tập lại để nghiền ngẫm.
Một hôm Người nói với những người biệt phái không ngừng mưu hại Người: "Các ông là con cái ma quỷ, nên các ông muốn làm theo ý muốn của nó là cha của các ông. Ngay từ ban đầu, ma quỷ đã là kẻ giết người. Nó không khi nào đứng về phía chân lý vì nó chẳng bao giờ thành thật. Đối với nó, gian trá chỉ là một điều rất tự nhiên, vì nó vốn là đứa gian trá và là cha đẻ của mọi dối trá" (Ga 8,44).
Như thế chưa đủ sáng tỏ sao?
Nếu chúng ta muốn biết sự hiện diện của Satan được biểu lộ thế nào trong thế giới chúng ta đang sống ngày nay, chúng ta chỉ cần nhận ra những điều dối trá quan trọng được tuyên bố vào thời đại này, và sự tiến bộ đã đạt được trong nghệ thuật giết người hiện nay.
Thế giới càng thấm nhuần sự dối trá, sinh mạng con người càng bị coi thường và càng bị cái chết đe doạ, thì sự hiện diện của Satan càng rõ rệt!
Làm sao chúng ta có thể nghi ngờ về hai điểm này được? Sự dối trá và giết người, đó là hai dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự có mặt của Satan. Chúng ta không thể sai lầm khi quả quyết sự hiện diện của Satan trong những dối trá quan trọng và những đe doạ khủng khiếp về mạng sống con người mà chúng ta đang chứng kiến vào thời đại này.
ĐIỀU DỐI TRÁ TUYỆT DIỆU: KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA
Dưới mắt chúng ta, sự dối trá có một tầm mức ảnh hưởng sâu rộng vào thời đại này, mà thế kỷ trước chưa có, đó chính là chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng như của ma quỷ.
Trong nhiều thế kỷ dài đăng đẳng, nơi các tôn giáo của dân ngoại, ma quỷ đã thành công trong việc khiến người ta tôn thờ nó dưới danh hiệu những thần linh giả tạo. Người ta chưa đạt tới niềm tin vào Thiên Chúa. Như thánh Phaolô nói với dân thành Athènes: "Tôi thấy quí vị là những người sùng đạo nhất trong nhân loại" (Cv 17,22). Quả thật, họ thờ không biết bao nhiêu là thần linh, thậm chí thờ cả một "vị thần chưa hề biết đến" vì e rằng có vị thần nào bị lãng quên chăng!
Nhưng ngày nay sự chối bỏ thần linh được công nhận, được tuyên truyền, có vẻ như muốn khinh thường niềm tin vào Thiên Chúa. Đó là một thứ triết lý đề cao niềm tin vào hư không hơn là vào hữu thể, làm như hữu thể phát xuất từ hư không, hay hư không có trước và sinh ra hữu thể.
Hiện nay, sự chối bỏ Thiên Chúa là điều dối trá to lớn nhất, tệ hại nhất, tội lỗi nhất. Nó có hai hình thức không nghiêm trọng như nhau: Trước hết là hình thức lý thuyết, của các triết gia duy vật, duy khoa học, bất khả tri, hiện sinh. Và sau đó là hình thức thực tiễn của những người chỉ mải miết theo đuổi việc làm ăn, của cải trần gian, theo đuổi những tính toán chính trị, thương mại, kể cả việc nghiên cứu khoa học hay phát minh kỹ thuật, đến nỗi không dành cho Thiên Chúa một chỗ đứng trong đời sống của họ!
Sự chối bỏ Thiên Chúa đã khởi đầu với những văn sĩ độc lập, với những kẻ "vô đạo" (libertin) như người ta thường nói vào thế kỷ 17, với những "triết gia" như người ta thường gọi vào thế kỷ 18, với những tay chủ trương "tự do tư tưởng" như người thời nay vẫn nói: "Một số người đã biểu lộ sự cứng tin của mình bằng những giọng điệu thống thiết hơn!" Người ta thường hay trích dẫn một trang sách của Nietzsche mà ông ta đã đặt vào miệng của một người phải nói là điên. Ông ta có lý lắm, nhưng người điên này có lẽ đúng là một người bị quỷ nhập:
"Thiên Chúa ở đâu, hắn nói, tôi có thể nói cho các bạn biết điều đó! Các bạn và tôi, chúng ta đã giết chết Ngài rồi! Tất cả chúng ta đều là những kẻ giết chết Ngài! Nhưng chúng ta đã giết chết Ngài như thế nào? Làm sao chúng ta có thể uống hết được cái Đại Dương ấy? Ai đã cho chúng ta cái bọt biển để xoá bỏ toàn bộ cái chân trời ấy? Chúng ta đã làm gì khi tách rời trái đất này khỏi mặt trời của nó? Trái đất ấy bây giờ đi đâu rồi? Chúng ta đi đâu? Xa khỏi tất cả các mặt trời ư? Hiện tại chúng ta không bị rơi bằng một sa ngã liên tục sao? Ngã ra sau, ra bên cạnh, ra đằng trước, ra đủ mọi hướng sao? Có còn một cái cao và một cái thấp nữa không? Chúng ta không bị lạc vào một sự hư không vô tận sao? Chúng ta không cảm thấy sức ép của một nơi trống rỗng mênh mông sao? Trời không lạnh hơn sao? Đêm không đen hơn sao? Không cần phải đốt đèn vào giữa trưa sao? Các bạn đã không nghe thấy tiếng xôn xao của đám người đào huyệt chôn Thượng Đế đó sao? Các bạn không ngửi thấy mùi của Thượng Đế đang bị thối rữa sao? - Vì các thần linh cũng đều bị hư hoại! Thượng Đế đã chết! Thượng Đế vẫn còn chết, và chúng ta là những kẻ giết chết Ngài!..."
Trong những dòng đó, giọng điệu có vẻ hối hận làm sao, cắn rứt, điên dại và sợ sệt làm sao!
Chắc chắn đó là sự dối trá thuộc loại siêu đẳng! Là dối trá của mọi thứ dối trá!
Nói rằng Thiên Chúa không hiện hữu, thì có khác nào nói rằng hữu thể không hiện hữu! Tên của Thiên Chúa chính là Hữu Thể, Ngài là Đấng vẫn có, Đấng Tự Hữu. Theo cách diễn tả của Victor Hugo, thì "Ngài hiện hữu, hiện hữu, hiện hữu, hiện hữu một cách chồng chất!"
Mà trước mắt chúng ta, nhiều dân tộc đang sống dưới ách của những kẻ chối bỏ Thiên Chúa, đang tuyên dương chủ thuyết của họ, họ nhạo cười đức tin, họ phủ nhận tất cả những gì vượt khỏi tầm nhận xét của "khoa học", thứ khoa học theo như họ hiểu, nghĩa là bằng cách biến cái tuyệt đối thành những cái ngẫu nhiên!
Thế giới của chúng ta đã trở thành quá nhỏ bé vì những phương tiện giao thông liên lạc phát triển nhanh chóng. Một số những bậc thầy đang điều khiển cái thế giới nhỏ bé này - chúng tôi tự hỏi - liệu họ có phải đơn thuần và giản dị là những viên phụ tá cho chính Satan không? Thậm chí là hiện thân của Satan không?
MỘT HIỆN THÂN CỦA SATAN
Cách đây 11 năm, Dom Alois Mager đã dùng chính từ ngữ này để chỉ Hitler trong một cuốn sách có giá trị nói về Satan, do nhóm Études Carmélitaines (những nghiên cứu của dòng Cát Minh) xuất bản (Desclée, 1948)
Chúng tôi có thể cho biết tên của nhân vật đó, vì hắn đã chết. Đối với những nhân vật còn đang sống (là hiện thân của Satan) mà chúng ta đang thấy họ "quấy phá" thế giới, thì chúng ta không nên nói rõ tên của họ. Tuy vậy, không một độc giả nào lại có thể không nhận ra những điều đó.
Bản văn của Dom Alois Mager mà chúng tôi trích dẫn ra đây rất mạnh mẽ và rõ ràng. Ông viết:
"Satan chủ trương dùng con người này làm hiện thân cho nó để đảo lộn tất cả những chuẩn mực của luật pháp và luân lý. Nói chung, cho tới thời đó, những chuẩn mực này vẫn còn được truyền thống cũng như thiên nhiên nhìn nhận, cho dẫu có những phong trào bài trừ Kitô giáo. Hiện thân đó là Adolf Hitler. Không còn một từ ngữ nào ngắn gọn hơn, chính xác hơn, thích hợp với bản chất của Hitler hơn cái từ ngữ rất hàm súc này: Hiện thân của Satan. Nếu đặc trưng không có ngoại lệ của tất cả những tay làm hiện thân cho Satan, là: sống vô luân cả về mặt tinh thần lẫn nhân cách, thì Hitler tiên thiên là một hiện thân của ma quỷ. Nếu không bị huyền hoặc thì không ai thấy con người Hitler lại có một nhân cách đáng phục về luân lý cũng như tính nết. Trong vụ án Nuremberg, tướng Jodl có nói về Hitler như sau: "Đó là một vĩ nhân, nhưng là vĩ nhân của Hoả Ngục" (Satan, sách đã dẫn, trang 639).
Dối trá và giết người: Hai tính chất này không phải là nổi bật rõ ràng trong sự nghiệp của Hitler sao?
Đối với Staline, đối thủ của Hitler, người ta chẳng có thể nói như thế hoặc hơn thế nữa sao?
Chúng tôi tin rằng: vào thời đại của chúng ta, sự hiện diện của Satan trong thế giới chính là chứng quỷ nhập tập thể của nhiều dân tộc, và càng chắc chắn hơn nữa trong trường hợp của chủ nghĩa Quốc xã ở Đức, cũng may là nó không tồn tại lâu, và chủ trương chối bỏ Thiên Chúa trong những quốc gia rộng lớn. Trường hợp sau đáng sợ hơn nhiều, vì nó tồn tại lâu dài hơn, có tính cách đe doạ nhiều hơn, và có vẻ cao ngạo hơn.
Cần phải tin rằng Satan đang chuẩn bị một thảm hoạ khủng khiếp nhất cho nhân loại mà người ta có thể tưởng tượng và kinh sợ. Thêm vào đó là những lời dối trá của thời đại, được trang bị bằng những phương tiện phá hoại và giết người chưa từng có từ trước tới nay.
Trước khi xét tới tính chất thứ hai trong việc biểu hiện của Satan, chúng ta hãy tiếp tục xét tới quyền lực của dối trá mà Satan đang bày ra trước mắt chúng ta hiện nay.
DỐI TRÁ VÀ MÂU THUẪN
Việc chối bỏ Thiên Chúa là sự dối trá đứng hàng đầu và nghiêm trọng nhất trong những điều dối trá của thời đại chúng ta hiện nay. Nhưng sự dối trá không đi một mình. Chúng ta đang lặn hụp, đang chìm ngập trong dối trá, thậm chí hít thở bầu không khí dối trá mà hầu như không biết.
Dấu hiệu để nhận ra sự dối trá này là sự mâu thuẫn. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì ai là Thiên Chúa? Chúng ta không thể nói đó là ma quỷ, vì trong khi Satan làm cho người ta chối bỏ Thiên Chúa, thì nó cũng muốn được người ta phủ nhận sự hiện diện của chính nó, hơn là nó muốn lộ mặt ra. Con người ngày nay vừa chối bỏ Thiên Chúa, vừa muốn chối bỏ cả ma quỷ nữa. Thế thì chỉ còn lại có con người hiện hữu. Vì thế, chính con người là Thiên Chúa! Khoa học, kỹ thuật, sự thông minh của con người có một quyền năng tối thượng trên tất cả mọi sự. Chúng ta là Thượng Đế! Nhưng chúng ta không có linh hồn, vì chỉ có vật chất hiện hữu mà thôi. Hoặc nếu chúng ta có linh hồn - câu này chỉ có nghĩa là chúng ta sống và tư tưởng - thì linh hồn ở đây không phải là linh hồn bất tử. Khi con người chết, thì tất cả đều chết. Nếu Thiên Chúa chết, nghĩa là trong mọi trường hợp có một người trong thời đại này chết, thì tức là có một vị Thượng Đế chết.
Phủ nhận Thiên Chúa, phủ nhận Satan, phủ nhận linh hồn bất tử, phủ nhận sự khác biệt giữa Thiện và Ác, phủ nhận tội lỗi, phủ nhận đức hạnh, phủ nhận Trời, phủ nhận Hoả Ngục! Đó là một vài phủ nhận dối trá của chúng ta.
Nếu sau đó, chúng ta tự tôn vinh mình, nếu chúng ta tự coi mình như những Thượng Đế duy nhất hiện hữu, thì đó là thuần tuý mâu thuẫn. Hữu thể và hư vô bị lẫn lộn với nhau. Khi bỏ hết tôn giáo, chúng ta sẽ lấy chủ nghĩa hư vô làm tôn giáo duy nhất có thể có của chúng ta. Và vì điều đó không ảnh hưởng gì đến những bài diễn văn quan trọng, những lời hứa hẹn lớn lao, và nhất là những ảo tưởng vĩ đại, nên một lần nữa, mọi vấn đề trong chính trị, trong triết lý, trong sự xáo trộn hiện nay, đều được giải quyết trong sự mâu thuẫn bao la này!
Vấn đề chỉ là không những chinh phục thế giới trên trái đất này, mà còn chinh phục cả vũ trụ tinh tú. Tất cả những thứ đó chỉ là trò tung hứng, là biểu dương quyền năng một cách phù phiếm. Tất cả những cái đó chỉ là phù vân và thất vọng! Vào thời đại này, dân số thế giới tăng vọt với một tốc độ khiến những nhà chính trị phải sốt ruột. Người ta tính toán xem hành tinh này có thể nuôi được bao nhiêu người. Và người ta chỉ thấy được hai giải pháp: một là phá huỷ các mầm sống ngay từ trong lòng mẹ, hai là dùng chiến tranh để tiêu diệt một phần lớn nhân loại! Việc thần thánh hoá con người đã đi đến những hậu quả như thế đấy! Nói là Satan hoá con người thì đúng hơn!
Dối trá và mâu thuẫn, đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự hiện diện của Satan trong thế giới ngày nay.
SATAN - KẺ GIẾT NGƯỜI
Nhưng dấu hiệu thứ hai, tức những âm mưu hay những đe doạ tiêu diệt sự sống con người không phải là kém rõ ràng!
Giữa thế giới ngày nay và thế giới của thế kỷ trước, nếu có một đặc tính khác biệt, thì đó chính là sự phát triển lạ lùng những phương tiện giết người.
Lúc nào, thời nào cũng có chiến tranh, điều đó đúng tới tận mọi nguồn gốc của chúng ta, từ thời Cain và Abel đã có chiến tranh rồi. Nếu Satan là "kẻ sát nhân ngay từ ban đầu" - theo từ ngữ mà Chúa Kitô dùng - thì ma quỷ không phải chỉ hiện diện mà thôi trong tất cả những cuộc "huynh đệ tương tàn" giữa con người, nhưng phải coi nó như kẻ âm thầm xúi giục gây nên tất cả những cuộc chiến tranh này. Những tiến bộ trong nghệ thuật giết người là những tiến bộ ma quỷ. Mà những tiến bộ này thời nào cũng có. Hơn nữa, khó lòng có được một tiến bộ nào rút ra từ chiến tranh mà đem lại lợi ích tốt đẹp!
Thế giới ngày nay chi phí cho chiến tranh nhiều hơn là chi phí cho những mục đích quan trọng khác trong đời sống nhân loại, nhiều hơn hàng tỷ đôla. Tất cả những tỷ bạc được sử dụng cho chiến tranh sắp tới, và tất cả những tỷ bạc được phung phí trong những cuộc chiến tranh vừa qua, nếu được sử dụng để truyền bá đức tin chân thật cho thế giới, để chống lại bất hạnh và ngu dốt, để đẩy lui nạn đói và tội ác, thì bộ mặt thế giới đã khác hẳn. Mà đâu có cần thiết phải gây ra chiến tranh để rồi phải đau khổ vì những hiểm hoạ mà chiến tranh giáng xuống trên chúng ta!
Các phương tiện giao thông liên lạc càng nhiều nhờ vào cái tiến bộ mà chúng ta vẫn tự hào ấy, các khoảng cách càng bị rút ngắn lại, thì con người càng cảm thấy phải sống trong một bầu khí bị giam hãm, có thể nói như thế, và bị đầu độc vào một giờ nhất định mỗi ngày bởi những tin tức đến với chúng ta từ khắp thế giới. Những tin tức đó bằng hình thức này hay hình thức khác, nói với chúng ta về sự ghen ghét, thù hận, tranh chấp, những tai biến có thể xảy ra, những phương tiện giết người chưa từng có và kinh khủng.
Nỗi sợ chiến tranh cũng gây ra những tàn phá trong tâm hồn con người không kém gì chính những cuộc chiến tranh. Chúng ta đang sống một cuộc sống dị thường nhất và phi nhân nhất. Từ khi chúng ta giết Thiên Chúa, như Nietzsche đã nói, không còn hoà bình cho con người nữa, và con người bị kết án là: cứ phải luôn luôn nói tới hoà bình, nhưng là một hoà bình vắng mặt, một lý tưởng xa vời, một giấc mơ, có thể là một ảo tưởng, bởi vì người ta vừa nói chuyện hoà bình vừa làm việc để gia tăng khả năng giết người, nghĩa là gia tăng sức mạnh quân sự của mình. Một số quốc gia làm điều đó vì sợ bị tấn công, một số khác vì những tham vọng thầm kín của mình, gây nên những chuyện thách thức lẫn nhau, đe doạ nhau, ngầm ám chỉ một cuộc tranh chấp có khả năng xảy ra rất gần đây, một tranh chấp toàn thế giới, cũng có nghĩa là sự chung tận của nhân loại.
HOẠT ĐỘNG CỦA SATAN TRONG THẾ GIỚI
Giữa những vùng khác nhau trong thế giới ngày nay, có những sự khác biệt nào về những dấu hiệu hiện diện của Satan không? - nếu Satan không hiện diện ở một số nơi nhiều hơn những nơi khác thì mới là điều đáng ngạc nhiên.
Giovanni Papini có viết một cuốn sách gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi, trong đó có nhiều điểm xuất sắc có thể chấp nhận được, nhưng cũng có nhiều điểm ấu trĩ, những tư tưởng lạc giáo - mà chúng ta sẽ đề cập tới - thậm chí có cả những lời lộng ngôn vô ý thức. Một trong những chương ngắn của cuốn sách này có tựa là: Miền đất hứa của Satan. Người ta tò mò muốn biết miền đất đó là đất nào? Dân tộc bị gán cho danh hiệu con trưởng của Satan là dân tộc nào? Người ta không thể ngạc nhiên khi nghe Papini nói miền đất đó là nước Pháp, và dân tộc đó là dân tộc Pháp (Nên nhớ tác giả là người Pháp, viết cuốn sách này cho độc giả Pháp. Lời dịch giả). Papini nói:
"Từ thời Jules César, người ta viết rất nhiều về 'nước Pháp hiền dịu', nhưng tôi tin rằng không ai trên mảnh đất này lại khám phá ra điều dị thường mà tôi xin nói ra ở đây: Nước Pháp là miền đất hứa của Satan".
Quả là một khám phá dị thường. Papini còn nhấn mạnh: không phải ông ta muốn viết tiểu thuyết, mà đó là một dữ kiện ông nhận thấy, ông quả quyết như vậy:
"Một sự chiều theo điều ác vì điều ác hoàn toàn có ý thức, một sở thích làm điều đồi bại độc ác, một lý thuyết và thực hành phản loạn chống lại Thiên Chúa và các luật luân lý, đặc biệt là luật Kitô giáo".
Papini đã tỏ ra một sự khoan dung rõ rệt đối với Satan suốt cuốn sách của ông. Vì thế, ông không muốn người ta đánh giá thấp điều ông quả quyết, một điều quả quyết không dễ nghe đối với người Pháp:
"Tôi rất yêu mến nước Pháp, ông xác định, yêu nghệ thuật, văn chương, văn hoá của nó: vì thế, tôi không hề có ý định vu khống nước Pháp. Và để chứng tỏ rằng tôi không nói một cách may rủi, cũng không nói chơi, nên tôi bó buộc phải kể ra rất nhiều tên của các tác giả và tác phẩm".
Và ông kể ra một số rất lớn các văn sĩ Pháp. Điều lạ lùng là những văn sĩ đó không luôn luôn là những người mà chúng tôi cho rằng có "khuynh hướng ma quỷ". Không có một chữ về Voltaire, Diderot, Alembert, Holbach, Condorcet. Bù lại, ông ta cho là có khuynh hướng Satan ngay cả những tác giả Công giáo như Georges Bernanos và Francois Mauriac.
Tất cả những cái đó chưa phải là nghiêm trọng lắm! Nếu cuộc cách mạng Pháp có thể được coi là do Satan đạo diễn, xét về một số phương diện và biến cố, chứ không phải toàn bộ, thì không thể quên rằng có một tục ngữ đã lưu hành rất lâu mà người trong Giáo Hội cũng theo đó mà nói: Gesta Del per Francos (những việc làm cao cả của Thiên Chúa của người Pháp)! Chẳng may đã hai thế kỷ nay người ta cũng nói Gesta Diaboli per Francos (những việc làm đồi bại của ma quỷ qua người Pháp). Đối với chúng ta, toàn bộ vấn đề là tìm biết xem chúng ta có được cứu khỏi sự nô lệ Satan không, chúng ta muốn hay không muốn trở về với truyền thống ánh sáng và chân lý lâu đời của chúng ta trong tình thương của Thiên Chúa.
NHỮNG MỨC ĐỘ KHÁC NHAU
TRONG SỰ HIỆN DIỆN CỦA MA QUỶ
Hãy để qua một bên những công trình cặm cụi viết lách của Papini, và hãy thử đưa ra một ý niệm chính xác hơn về hành động của Satan trong vũ trụ mà chúng ta đang sống.
Có điểm đầu tiên dường như rất chắc chắn đối với chúng ta là: trong một số quốc gia, Satan hành động nhiều hơn so với những nước khác. Từ đó ta suy ra được điểm thứ hai không kém hiển nhiên, đó là: trong những mức độ hiện diện của Satan giữa các dân tộc, có thể nhận ra một cái gì đó tương tự như mức độ hiện diện của Satan mà chúng ta đã thấy rõ ràng giữa các cá nhân. Chúng tôi đã nói hành động của Satan sẽ leo thang từ cám dỗ đến ám ảnh quấy nhiễu, và từ quỷ ám đến quỷ nhập. Vì thế, cũng có những nước bị quỷ nhập, những nước bị quỷ ám, và có những nước chỉ bị quỷ cám dỗ.
Cám dỗ là chuyện xảy ra hằng ngày, hầu như lúc nào cũng có. Đủ mọi hình thức cám dỗ, tuỳ theo tính nết và tính khí của từng người mà thay đổi. Muốn trình bày về cám dỗ, một cách rất đơn giản là dựa vào bảy mối tội đầu mà mô tả: Kiêu ngạo, hoang phí, dâm dục, ghen ghét, giận dữ, ...
Nhưng trong cái bảng tổng quan mà chúng tôi muốn phác hoạ, điều đáng cho chúng ta lưu ý không phải là điều đó.
Mới đây, ngày 20.2.1959, tờ La France Catholique (Nước Pháp Công giáo), một tuần báo lớn, có đăng một bài báo của Maria Winowska tựa là Cơn cám dỗ thứ ba. Qua bài báo này, mọi người đều nhất trí công nhận một trong những tinh thần tỉnh táo nhất của thời đại.
Bài báo này nói về việc ma quỷ cám dỗ Đức Kitô, về cơn cám dỗ trong đó Satan cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên trái đất, rồi nói với Ngài: "Nếu ngươi sấp mình xuống thờ lạy ta, thì tất cả những thứ đó sẽ thuộc về ngươi!"
Maria Winowska đưa vào câu chuyện một thanh niên Ấn giáo vừa trở lại và chịu phép Rửa tội. Hai người đã tới Montmartre. Quang cảnh thành phố Paris nguy nga và diễm lệ đang bày ra trước mắt họ, khiến cho chàng thanh niên Ấn giáo kêu lên:
_ Tại sao người Kitô hữu lại không sống theo đức tin của mình? Tin Mừng thật là rõ ràng: Cầu nguyện là trên hết, khôn ngoan là trên hết, đức tin là trên hết, tình thương là trên hết. Tuy được viết trên giấy, nhưng còn phải được đem ra thực hành.
_ Em có lý đấy! M. Winowska trả lời. Nhưng dẫu sao trong số những Kitô hữu vẫn có những người, nam cũng như nữ, sống Tin Mừng chứ! Chắc chắn như thế! Có một số người, thậm chí là số lớn nữa đang sống Tin Mừng! Và chính điều đó biện hộ cho chúng tôi. Đương nhiên là cũng có những mặt yếu, những khiếm khuyết, những phi lý...
_ Người Kitô hữu Âu châu, anh chàng Ấn giáo nói tiếp, đa số sống giống như không có đức tin. Em không muốn nói rằng họ không có đức tin, mà nói rằng họ cất giấu đức tin đó kỹ quá!
Anh ta lại tiếp tục một cách không thương xót:
_ Em đã nghe các linh mục nói với em về kỹ thuật truyền giáo, về phương pháp, về cách thích nghi, về báo chí, về điện ảnh, về truyền hình. Đó quả là những linh mục tốt. Nhưng tại sao họ lại không nói cái chính yếu nhỉ? Đối với người Ấn giáo thì khác, sự minh triết quan trọng hơn những thứ đó, quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời! Làm sao so sánh giữa Đấng Tạo Hoá và các tạo vật được?
Đương nhiên Maria Winowska phản đối. Không thể phán đoán hàng giáo phẩm qua một lần tiếp xúc bên ngoài. Không được kết án họ là duy hoạt động chủ nghĩa khi chưa biết toàn bộ đời sống nội tâm của họ ra sao. 50 năm qua, chúng ta đã thực hiện 2 cuộc cách mạng trên lãnh vực tôn giáo: một cuộc cách mạng về phụng vụ hiện chưa đem lại được tất cả những kết quả mong muốn, và một cuộc cách mạng về Kinh Thánh mới chỉ bắt đầu thôi; ngoài ra, còn phải thực hiện thêm một cuộc cách mạng về thần bí, về tâm linh, để đáp ứng đầy đủ những ước vọng rất chính đáng của những người như chàng thanh niên Ấn giáo và chị Maria Winowska này.
Cơn cám dỗ lớn nhất cho người Kitô hữu thời nay không phải là cám dỗ về những chuyện lẻ tẻ, mà là cơn cám dỗ rất bao quát, nhưng cũng rất nguy hiểm, đó là chuộng sự vật hơn Thiên Chúa. Anh thanh niên Ấn giáo nói rằng anh ta đã làm một cuộc trắc nghiệm đối với những Kitô hữu mà anh đã gặp. Trắc nghiệm đó tương tự như sự thử nghiệm trong cơn cám dỗ ma quỷ đã áp dụng cho Đức Kitô trên núi. Anh nói:
_ Mà chị biết không? Rất ít người không có chấp nhận làm một hành động nhỏ để tỏ sự kính trọng, như cúi đầu một cái chẳng hạn, trước tên cám dỗ sẵn sàng dâng cho ta các nước trên trần gian. Họ nói: 'Một khi có tất cả những thứ đó, người ta sẽ làm cho Thiên Chúa được vinh danh', hoặc nói: 'Cũng cần phải nhượng bộ thế gian một chút xíu để có thể làm chủ nó nhiều hơn', hoặc 'Nếu không thích nghi với những tiến bộ của thế giới, thì Kitô giáo sẽ không đứng vững được' - Tóm lại, em có thể chắc chắn với chị rằng tất cả những người đó đều tin tưởng vào những kỹ thuật của con người hơn là vào đức tin của mình!".
Quả thực, sau khi đã cẩn thận trắc nghiệm 47 người, anh bạn Ấn giáo của chúng ta chỉ tìm thấy 3 hay 4 người thực sự yêu mến Thiên Chúa hơn các sự vật. Và cần phải thêm rằng anh ta chỉ làm thí nghiệm này trên những người Công giáo ngoan đạo mà thôi.
Đó là cơn cám dỗ thứ ba. Tất cả những người Công giáo này đều có đức tin cả, thậm chí họ có nhiều việc làm để chứng tỏ niềm tin ấy, họ có đức cậy và đức mến nữa. Họ là những người mà thánh Phaolô - trong các thư của ngài - gọi là "các thánh", nghĩa là những tâm hồn có Thiên Chúa ngự trị. Nhưng họ cũng là những linh hồn không hợp lý - và tất cả chúng ta, không nhiều thì ít, đều như thế cả - là những tâm hồn không đi tới cùng con đường mà đức tin đòi hỏi, là những tâm hồn - nói theo Maria Winowska - coi cái có quan trọng hơn cái là.
Và chị ta ngàn lần có lý khi kết luận:
_ Tất cả khoa học của trần gian không giá trị bằng một chút xíu minh triết, và tiến bộ cao nhất về kỹ thuật sẽ kết thúc đột ngột nếu con người chỉ làm chủ được nó trên số lượng. Nói cách khác: "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"
Cách đây 3 thế kỷ, Pascal đã nói bằng một ngôn ngữ vô song:
_ Tất cả mọi vật chất gộp chung lại, cộng với tất cả mọi tinh thần gộp chung lại, cộng với tất cả mọi sản phẩm của hai thứ đó gộp chung lại, cũng không có giá trị bằng một chút bác ái. Đó là một trật tự khác hẳn, vô cùng cao cả hơn.
NHÌN TỔNG QUAN
Chúng tôi cho rằng người ta sẽ có một cái nhìn hoàn toàn sai lầm về thế giới hiện tại, nếu người ta lẫn lộn sự đối nghịch giữa đông và tây với sự đối kháng giữa Satan và Thiên Chúa, hay nếu người ta tách rời hành tinh này thành hai vùng hoàn toàn riêng biệt: vùng của ma quỷ và vùng của Thiên Chúa.
Chúng tôi xin nhường lời cho một người Nga. Cách đây không lâu, chúng ta đã nghe một người Nga nói trong những tờ báo của chúng ta. Đó là một kỹ sư Xô Viết qua Âu Tây với một công tác khoa học, đã ở với chúng tôi một thời gian tương đối lâu. Anh ta nói:
_ Thực ra, những người phương Tây các anh cũng là những người duy vật. Với tiền bạc trong tay, các anh có thể sắm tất cả mọi của cải, thoả mãn mọi ước muốn. Nhưng đúng là các anh không còn nghĩ gì nữa ngoài những của cải đó. Cuộc sống của các anh, sinh hoạt của các anh, khoa học, kỹ thuật, tất cả những công việc và những bận tâm của các anh, các anh đã dành cho chúng một mục đích thực tế này, là gia tăng sự thoải mái của các anh, cải thiện những tiện nghi của các anh: như xe hơi, tủ lạnh, tivi, ... đó chính là lẽ sống của đại đa số các anh".
Ai dám nói là trong lời tố cáo đó không có một phần nào sự thật? - Duy vật không phải chỉ là cái dở của chủ nghĩa xã hội, mà còn là của chủ nghĩa tư bản nữa. Vẫn theo kỹ sư này, thì sự suy sụp do chủ nghĩa tư bản gây ra cho con người còn nghiêm trọng hơn nhiều. Chúng ta hãy nghe anh ta lý luận tiếp:
_ Trái lại, đối với chúng tôi, tất cả những vấn đề đó không hiện hữu (anh ta muốn nói tới việc tìm sự thoải mái). Một cách thực tiễn, những tiện nghi của anh quả là xa lạ đối với chúng tôi. Vì chúng tôi không có khả năng, thậm chí không nghĩ tới chúng. Người ta đã khiến chúng tôi không còn ước muốn những của cải vật chất nữa. Còn các anh đang phải ưu tư và bị ám ảnh vì tất cả những ước muốn đó. Khi làm điều ấy, người ta đã giải phóng chúng tôi. Tất cả các nghị lực mà các anh phung phí để tìm những thứ phù phiếm đó, thì chúng tôi lại dùng vào việc đọc sách, sáng tác nhạc, suy tư, mơ mộng. Các anh còn muốn chúng tôi làm gì nữa, khi mà ban tối chúng tôi trở về căn phòng nhỏ bé của chúng tôi, giống như một nhà tu hành trong căn phòng nhỏ bé của ông ta?
Và anh kết luận:
_ Phải, chúng tôi còn có thì giờ và còn có hứng thú để suy nghĩ. Nhưng, còn các anh thì sao?
Trong số những công việc mà người Nga này vẫn muốn dành cho mình thì giờ để làm, nếu anh ta thêm vào hai chữ "cầu nguyện" sau những chữ "đọc sách, sáng tác nhạc, suy tư, mơ mộng", thì những lời nói của anh ta thật đáng khích lệ biết bao! Tuy nhiên, lý tưởng của anh kỹ sư này vẫn cao hơn lý tưởng mà những nhà lãnh đạo của anh đang theo đuổi: là đạt tới và vượt qua những nước giàu hơn về sản xuất, về của cải vật chất, về hàng triệu thứ tiện nghi với kỹ thuật tinh xảo nhất. Điều mà anh kỹ sư này coi thường, và chúng ta cũng coi thường như anh ta, khi nó đi ngược lại sự phát triển về tâm linh của con người, chính là những cái nhìn mà nhiều quốc gia đang lấy làm đối tượng phải đạt tới. Chủ nghĩa duy vật chất đã chẳng được định nghĩa là "mỗi người được hưởng theo nhu cầu của mình" sao? Và nhu cầu của mỗi người trong công thức này chẳng phải là những ước muốn vật chất sao?
Nhưng chúng ta không nên đối nghịch chủ nghĩa duy vật chất với chủ nghĩa tư bản. Cả hai đều do Satan gợi hứng, thôi thúc, trong mức độ phủ nhận Thiên Chúa và linh hồn. Tóm lại chủ nghĩa duy vật chất không làm gì khác hơn là lấy lại cái triết lý "trưởng giả". Nó là kết quả của triết lý đó, và tiếp tục đẩy triết lý đó tới cùng cực. Nếu thật là không có Thiên Chúa, không có ma quỷ, không có linh hồn, và tất cả chỉ là vật chất, thì duy vật hay tư bản chẳng cái nào đúng hơn cái nào, vì không còn chân lý theo đúng nghĩa chân lý, mà tất cả đều là giả dối, tất cả đều do Satan!
Sau khi nói những điều đó, chúng tôi không vui mừng cũng không sợ hãi tố cáo ra đây một số đặc tính của nền văn minh ngày nay, được coi như một số dấu hiệu cho biết có sự hiện diện của Satan giữa chúng ta. Những đặc tính này không ai có thể phủ nhận là không thấy:
1. Sự tầm thường trong những phương tiện truyền thông của chúng ta, như điện ảnh, truyền thanh, truyền hình... Sự tầm thường không nằm trong khả năng truyền bá, mà trong sự tác động có cao thượng và đẹp đẽ trên tinh thần hay không.
2. Tính khiêu dâm của môi trường xã hội được trình bày trong các tiểu thuyết, phim ảnh, các vở kịch, các bài ca, trong những trò giải trí, những thú tiêu khiển.
3. Sự thoái hoá của nghệ thuật hiện đại, dường như không còn yêu thích vẻ đẹp nữa, mà chỉ thích những cái xấu xa, tăm tối.
Trước khi kết thúc chương này, một chương rất dễ viết dài ra, chúng ta thấy gì?
Satan hoạt động khắp nơi. Chống lại nó, chỉ có một sức mạnh có thực, là Đức Giêsu Kitô. Một đằng là chủ nghĩa tục hoá, là dối trá, là coi thường sự sống con người, là máu của Abel bị Cain làm đổ ra. Một đằng là đức tin, đức ái, là tình thương vô biên được thực hiện trong cầu nguyện, trong thờ phượng, trong sự từ chối hận thù của Satan, trong ước muốn làm cho nước Chúa lan rộng khắp nơi, trong lời cầu nguyện sốt sắng không ngừng của các tâm hồn: "Nguyện cho Nước Chúa trị đến".
Cái nhìn về lịch sử phổ quát không thay đổi: Thành của Thiên Chúa chống với thành của Satan, Thành của Tình Yêu chống với thành của Hận Thù!
Có hai ngọn cờ: một của Satan, một của Chúa Giêsu Kitô.
Điều kỳ lạ là: người Kitô hữu tuyên bố coi nhẹ cuộc sống hiện tại vì biết còn một cuộc sống khác vĩnh cửu, thì lại tỏ ra kính trọng sự sống con người và nhân cách con người một cách tuyệt đối nhất. Satan, trái lại, làm cho những kẻ theo nó tin rằng: cuộc sống hiện tại là duy nhất, không còn một cuộc sống nào khác sau cuộc sống này nữa, và cuộc sống này là cái thiện hảo tối thượng của con người. Vì thế, tôi nói rằng đối với cuộc sống này, vốn là tất cả, Satan biểu lộ sự coi thường sinh mạng con người, sự coi thường đó được thể hiện bằng những trại tập trung, những vụ hành quyết tập thể, những lò hoả táng, những cuộc tra tấn phi nhân! Thế là dối trá luôn luôn đi đôi với giết chóc!
Nhưng điều đáng trách nhất của những kẻ theo Satan là sự què quặt mà họ gây ra cho loài người khi họ chối bỏ Đấng Vô Biên, chối bỏ sự bất tử.
Tinh thần hẹp hòi của những người cứng tin là một cái gì thê thảm hơn nữa. Cần nhắc lại lời kêu gọi của Tertullien nói với những người lạc giáo thời ông: "Parce orbis unicae spei!" - "Hãy chừa lại cho thế giới niềm hy vọng duy nhất của nó!". Nếu một ngày nào chúng ta muốn chiếm hữu cái thế giới này dẫu nó không đáng giá bằng linh hồn chúng ta, thì lúc đó cần phải cứu linh hồn chúng ta bằng đức tin và tình yêu!
Ôi, còn cuộc chiến nào kinh khủng bằng cuộc chiến giữa Chúa Kitô và Satan!