Nước Pháp từng được mệnh danh là Trưởng Nữ Giáo Hội Công Giáo vì có lịch sử gốc rễ đức tin Công Giáo sâu đậm. Nhưng nước Pháp trải qua nhiều biến cố vĩ đại, nhiều giai đoạn thăng trầm, biến cố lớn lao về chính trị, về đạo đức luân lý, suy thoái đức tin. Một trong những thời kỳ khủng hoảng lớn nhất của Pháp là thời kỳ 1789-1830 và về sau. Tại đây Mẹ Maria đã hiện ra để báo trước những biến cố sắp xảy ra và để đưa con cái Mẹ về với Chúa, về với đức tin.
Người được Mẹ Maria chọn làm thông tín viên cho Mẹ trong biến cố này là một đệ tử tại tu viện các Nữ Tu Bác Ái thánh Vincent de Paul ở phố BAC, Paris, tên chị là Cathérine Labouré. Chị Cathérine Labouré sinh ngày 2 tháng 5, 1806, tại làng nhỏ Fain-les-Moutiers, Pháp Quốc. Cha của chị là một nông gia, đã từng theo học lên chức linh mục nhưng ông hồi tục vì không thích các cơ cấu của Giáo Hội. Mẹ của Cathérine chết khi chị mới 9 hoặc 10 tuổi. Cathérine thất học và bướng bỉnh. Mãi tới tuổi 24, chị mới bất đắc dĩ được nhận vào tập tu tại dòng Nữ Bác Ái Vinh-sơn ở phố BAC, Paris. Thời gian tập luyện này, chị được trao cho nhiệm vụ lau nhà. Ngay trong thời gian đầu tại nhà dòng này, chị được ban những ơn lạ lùng, nhưng chị không thể giữ kín được mà nói cho các chị em khác biết, nên cha giải tội phải nói với chị rằng “chị ở đệ tử viện để học phục vụ người nghèo khó, chứ không phải để mộng mơ”.
Đêm 18 tháng 7, 1830, áp lễ thánh Vincent de Paul, chị Cathérine đi ngủ, chị tin rằng thánh quan thầy sẽ giúp chị đạt được ước nguyện cao vời là được thấy Đức Mẹ. Khoảng 11 giờ 30 khuya, chị Cathérine bị đánh thức dậy, nghe có tiếng gọi tên chị ba lần. Trong phòng của chị, chị thấy một cậu bé trạc bốn hoặc năm tuổi, tóc vàng óng ánh, mặc áo trắng, có vầng hào quang bao quanh. Cậu bé nói, “Này sơ! Này sơ! dậy đi. Đi mau tới nhà nguyện. Đức Trinh Nữ chờ đợi sơ ở đó!”
Chị Cathérine sợ, nhưng cậu bé nói:
“Đừng sợ, mọi người đều ngủ say cả. Tôi sẽ đi với sơ”.
Chị Cathérine đi theo cậu bé dọc hành lang. Hành lang rực sáng vì ánh sáng từ cậu bé tỏa ra. Cửa nhà nguyện tự động mở ra, và trong nhà nguyện đèn nến sáng trưng như thể chuẩn bị Thánh Lễ Nửa Đêm. Cậu bé dẫn chị Cathérine tới chờ tại phòng mặc áo. Chị Cathérine kể rằng khoảng nửa đêm, chị nghe tiếng xào xạc của những lớp áo lụa. Chị nói: “Tôi thấy một vị phụ nữ đang ngồi trên ghế dành cho cha giám đốc đặt trên bục bàn thờ”.
Cậu bé nói với Cathérine:
“Đây là Đức Trinh Nữ!”
Nhưng Cathérine thoạt tiên không tin rằng vị phụ nữ đó là Đức Trinh Nữ, và cậu bé đọc được tư tưởng của chị, nên đổi giọng như giọng người lớn và xác nhận vị phụ nữ đó chính là Đức Trinh Nữ.
Trong khi Cathérine còn bối rối, Đức Mẹ bắt đầu nói:
“Con của Mẹ, Thiên Chúa nhân lành muốn trao cho con một sứ mệnh. Con sẽ phải đau khổ nhiều, nhưng con sẽ vượt trên những đau khổ đó bằng cách suy gẫm rằng những việc con làm là vì vinh danh Thiên Chúa. Con sẽ bị dày vò cho tới khi nào con nói hết với cha linh hướng con. Con sẽ bị chống đối; nhưng đừng sợ, con sẽ được ân sủng. Con hãy can đảm nói tất cả những gì xảy ra tại đây và trong (lòng) con. Con hãy nói cách đơn sơ. Đừng sợ”.
Đức Mẹ nói tiếp:
“Thời kỳ này hết sức tồi tệ. Những đau khổ sẽ trút xuống nước Pháp, ngai vàng sẽ (lại) bị lật đổ, cả thế giới sẽ sớm rơi vào thống khổ. Nhưng bây giờ hãy đến chân bàn thờ. Tại đó muôn ơn sủng sẽ tràn đầy cho mọi người, lớn nhỏ, những người tha thiết cầu xin các ơn đó. Những xáo trộn nặng nề đang đến. Nguy cơ nặng nề sẽ xảy đến cho đệ tử viện này và các cộng đoàn tu khác. Tới một lúc khi sự nguy khốn đó cao độ, mọi người sẽ tin là mất tất cả; con sẽ nhớ lại lần viếng thăm này của Mẹ và đệ tử viện này sẽ được Thiên Chúa bảo vệ. Nhưng việc đó không xảy ra cho các cộng đoàn tu khác”.
Tới đây Đức Mẹ khóc nước mắt chan hòa.
Đức Mẹ nói tiếp:
“Trong hàng giáo phẩm ở Paris sẽ có nhiều người là nạn nhân, trong đó có Đức Tổng Giám Mục, con của Mẹ; thánh giá sẽ bị coi thường, người ta sẽ liệng thánh giá xuống đất và chà đạp lên. Máu sẽ đổ. Các phố phường sẽ ngập máu. Đức Tổng Giám Mục sẽ bị lột trần (tới đây Đức Mẹ quá đau thương không nói được trong một lát). Mắt Mẹ sẽ luôn dõi nhìn các con. Mẹ sẽ ban cho các con ân sủng. Những ân sủng đặc biệt sẽ được ban cho mọi người xin, nhưng người ta phải cầu nguyện”.
Tới đây Đức Mẹ biến đi.
Những điều Đức Mẹ nói với chị Cathérine đã lần lượt xảy ra. Có những việc hầu như xảy ra ngay, hoặc trong thời gian rất ngắn sau đó, có những việc mãi 40 năm sau (1870) mới xảy ra.
Đức Mẹ nói trong đêm 18-19 tháng 7, 1830 rằng “ngai vàng sẽ lại bị lật đổ” xảy ra 8 ngày sau, khi Vua Charles X bị lật đổ vào ngày 26-28 tháng 7, 1830, trong “Ba Ngày Vinh Quang” được mệnh danh là Cuộc Cách Mạng tháng Bảy năm 1830.
Lời tiên báo “những xáo trộn lớn” xảy ra khi đường phố Paris bị cản, những cuộc náo loạn bùng nổ khắp Paris và nhiều nơi khác, nhiều người bị giết. Những quân cướp xông vào các thánh đường, Tượng Chịu Nạn bị gỡ ra, bẻ gẫy, bị chà đạp và tiểu tiện vào. Đức Tổng Giám Mục bị đánh đập, bị lột trần chỉ còn quần lót, và hai lần ngài phải chạy trốn để giữ mạng sống.
Đệ tử viện Nữ Tử Bác Ái trên đường BAC bị vây và phóng hỏa nhưng được bình an, trong khi các nhà dòng khác bị đốt cháy hoặc phá sập.
Lời Mẹ Maria cảnh cáo về “những xáo trộn trầm trọng” còn xảy ra trong thời cách mạng 1848, trong thời gian này đức tổng giám mục Affré bị bắn chết. Năm 1870, thánh giá lại bị chà đạp, và đức giám mục Darboy, tổng giám mục Paris thời đó, bị ám sát ngay lúc khởi đầu Cuộc Chiến Pháp-Phổ.
Bốn tháng sau ngày 18 tháng 7, 1830, Đức Mẹ hiện ra nhưng khác với lần trước. Sau đây là lời chị Cathérine kể lại:
“Ngày 27 tháng 11, 1830, Chúa Nhật trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, lúc 5 giờ 30 chiều, tôi nghe âm thanh tựa như áo lụa xào xạc, từ diễn đàn gần ảnh thánh Giuse.
“Nhìn sang hướng đó, tôi thấy Đức Trinh Nữ đang lửng lơ ngang tầm bức ảnh thánh Giuse. Đức Trinh Nữ đứng lại. Người cao vừa phải, và mặc áo toàn trắng.
“Áo dài của Đức Mẹ trắng như sương mai, có cổ cao và cánh tay áo dài trơn. Khăn choàng mầu trắng phủ trên đầu Người xuống tới chân. Dưới khăn choàng là tóc Đức Mẹ, cuốn lọn, được cột lại bằng dây trang sức... Mặt Đức Mẹ lộ ra vừa đủ, dĩ nhiên rất đẹp, quá đẹp đến độ tôi không thể nào mô tả sắc đẹp tuyệt vời của Nguời.
“Hai chân Đức Mẹ đứng trên trái cầu mầu trắng, đúng ra phải nói nửa trái cầu, hoặc ít ra là tôi chỉ nhìn thấy một nửa. Cũng có con rắn mầu xanh đốm vàng.
“Một khuôn, hơi hơi bầu dục, bao quanh Đức Trinh Nữ. Trong khuôn đó có những chữ bằng vàng kim: ‘Lạy Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là những kẻ cầu khẩn với Người’. Dòng chữ này chạy nửa vòng khuôn bầu dục, bắt đầu từ ngang bàn tay phải, vòng trên đầu, và chấm dứt ở ngang bàn tay trái của Đức Trinh Nữ. Hai bàn tay Đức Mẹ lúc này đưa lên ngang trong tư thế tựa như đang hiến dâng lên Thiên Chúa trái cầu nhỏ bằng vàng, tiêu biểu cho thế giới, trên trái cầu có thánh giá bằng vàng. Cặp mắt Đức Trinh Nữ nhìn xuống. Khuôn mặt Đức Trinh Nữ xinh đẹp tuyệt vời tôi không thể diễn tả...
“Tôi thấy mỗi ngón tay Đức Mẹ có ba chiếc nhẫn lớn nhỏ khác nhau. Nhẫn lớn nhất ở đốt sát lòng bàn tay. Nhẫn cỡ trung ở đốt giữa. Nhẫn nhỏ nhất ở ngoài cùng. Trên mỗi chiếc nhẫn có những hạt kim cương lóng lánh lớn nhỏ khác nhau. Một vài hạt đẹp hơn các hạt khác. Những hạt kim cương lớn chiếu ra tia sáng lớn. Những hạt nhỏ chiếu ra tia sáng nhỏ hơn. Những tia sáng đó chói lòa bao phủ bệ dưới chân Đức Mẹ và tôi không còn nhìn thấy hai bàn chân Đức Mẹ nữa.
“Trong khi tôi đang say sưa ngắm nhìn Đức Trinh Nữ, Người nhìn xuống tôi. Tôi nghe Người nói: ‘Trái cầu này tiêu biểu toàn thể thế giới, đặc biệt là Nước Pháp, và cách riêng từng người. Những tia sáng này tiêu biểu các ân sủng Mẹ ban cho những ai cầu xin các ơn đó. Những viên kim cương không chiếu tia sáng là những ân sủng mà các linh hồn quên không xin’”.
“Trái cầu bằng vàng biến đi trong bầu ánh sáng; hai bàn tay mở ra và hai cánh tay thả xuống vì sức nặng của các kho tàng ân sủng trong tay. Khi đó tiếng Đức Mẹ nói: ‘Con hãy nói người ta làm ảnh theo mẫu này. Tất cả những ai mang ảnh này sẽ được những ân sủng lớn lao; người ta nên đeo ảnh này ở cổ. Các ân sủng sẽ dồi dào cho những ai mang ảnh này với lòng tin vững vàng’”.
“Khuôn mẫu ảnh đó xoay phía sau tới, tôi nhìn thấy mặt sau của tấm ảnh: một mẫu tự M lớn và thánh giá đặt trên một đà ngang; phía dưới mẫu tự M có Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Mẹ Maria, một trái tim có vòng gai bao quanh, một trái tim bị lưới giáo xuyên thấu”.
Chỉ ít lâu sau, các Nữ Tử Bác Ái đã trao ảnh đó cho các bệnh nhân mà các dì săn sóc. Nhiều nguời trở lại và được lành bệnh nhờ phép lạ, và từ đó ảnh này được gọi là “Ảnh Hay Làm Phép Lạ” và được phổ biến khắp thế giới Công Giáo.
Nữ đệ tử Cathérine Labouré tuyên khấn ngày 30 tháng Giêng, 1831, và được cử làm đầu bếp tại nhà tế bần Enghien tại thành phố Reuilly. Chị khiêm tốn ẩn mình suốt bốn mươi sáu năm, cố gắng tránh không nói về việc Đức Mẹ hiện ra. Mãi tới trước ngày chị lìa trần vào ngày 31 tháng 12, 1876, chị mới vì vâng lời mà xác nhận rằng chị đã thị kiến “Đức Trinh Nữ”.
Năm 1895, việc Đức Mẹ hiện ra với chị Cathérine Labouré được Giáo Hội nhìn nhận với tước hiệu “Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ” và ấn định chi tiết phụng vụ Thánh Lễ và giờ kinh kèm theo.
Năm 1933, khi cải mộ để lập hồ sơ xin phong thánh cho chị Cathérine Labouré, xác chị được giới y khoa xác nhận là nguyên vẹn tươi tốt với cặp mắt vẫn còn xanh (khi chết cặp mắt người ta luôn đổi mầu và rữa nát). Chị Cathérine Labouré được Đức Thánh Cha Pio XII phong hiển thánh năm 1947.
Thi hài Cathérine Labouré không hư nát
Ảnh mề đay phép lạ
Catalina được quan sát trong thị kiến