Hãy đến cùng Giêsu

Công Giáo - Mời Vào

Đi với người khôn, ắt sẽ nên khôn,
chơi cùng kẻ dại, sẽ mang lấy hoạ. (Cn 13,20)

Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy. (Tv 119,9)

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. (Tv 126,5)

♥ Nhà Trừ Quỷ Kể Truyện

Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc Công Đồng Vaticanô II. Tất cả các phần trong sách nghi thức đã được sửa lại theo những hướng dẫn của Công Đồng. Chỉ có một phần duy nhất vẫn còn bị niêm phong với bảng hiệu "Vấn đề còn đang nghiên cứu", phần này liên quan đến việc trừ quỷ. Thực sự chúng ta có học thuyết của Kinh Thánh, thần học, và quyền giáo huấn của Giáo Hội. Ở một chỗ khác, tôi đã bàn kỹ về một số bản văn của Công Đồng Vaticanô II. Tôi sẽ không nhắc lại ba bài phát biểu của Đức Phaolô VI và mười tám bài của Đức Gioan Phaolô II về chủ đề này. Tôi sẽ tự giới hạn vào một câu trích từ bài của Đức Phaolô VI ban hành ngày 15.11.1972: "Phàm ai chối không nhận có ma quỷ thật thì cũng chối Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội. Cũng là như thế những ai cho rằng thực tại này phát nguồn tự nó chứ không phát xuất từ Thiên Chúa như mọi thụ tạo khác, và bất cứ ai cố gắng cắt nghĩa nó như là thực tại giả hiệu, như là hiện thân có tính tưởng tượng và khái niệm của tất cả mọi nguyên nhân chưa biết của các bệnh tật nơi chúng ta." Sau đó Ngài còn nói thêm: "Chương nói về ma quỷ, và về những ảnh hưởng mà chúng có thể gây nên trên từng cá nhân, các cộng đoàn, trên toàn xã hội hoặc trên các biến cố, là một chương rất quan trọng trong học thuyết của Giáo Hội. Chúng ta cần phải duyệt lại và học tập về nó; bất hạnh thay, ngày nay thực tế nó bị lãng quên."
 Ngày nay, đối với nhiều linh mục, những lời của Kinh Thánh, truyền thống, và Huấn quyền về chủ đề này bị rơi vào quên lãng. Đức giám mục Balducci viết rất đúng rằng: "Tốt biết bao nếu quần chúng biết được loại khủng hoảng nào mà ngày nay Giáo Hội đang phải đương đầu, ít là về mặt học thuyết?" (Il diavolo [Piemme], p. 163). Tôi đã nói rằng nhiều trong số các bản viết của tôi là tranh luận với các nhà thần học, các giám mục, và các nhà trừ quỷ. Việc tranh luận không thành vấn đề, nhưng là việc đem sự thật ra ánh sáng. Cơn khủng hoảng này không chỉ về học thuyết; mà còn về cả mục vụ nữa. Tức là, nó liên quan đến các giám mục không chịu bổ nhiệm các nhà trừ quỷ và các linh mục lại chẳng tin vào chức vụ này chút nào nữa. Tôi không có ý vơ đũa cả nắm, nhưng ngày nay ma quỷ hành hạ người ta quá chừng, và khi các nạn nhân đi tìm một nhà trừ quỷ, họ vấp phải cái bảng hiệu thông thường: "Vấn đề còn đang nghiên cứu".
 Tôi sẽ bắt đầu với các nhà thần học. Tôi xin nêu ra nhà thần học Luigi Sartori, một vị danh tiếng và đã được trích dẫn. Ông viết: "Có lẽ một số trong các cuộc chữa bệnh của Chúa Giêsu liên quan đến những người bệnh ảnh hưởng bởi những xáo trộn về thần kinh hơn là bởi quỷ ám thực sự". Đây là một lời ám chỉ thuộc loại tồi tệ nhất, và rất sai lầm. Phúc Âm luôn luôn phân biệt giữa việc chữa lành bệnh với việc giải thoát khỏi ma quỷ, cũng như rõ rằng có sự khác nhau giữa quyền năng mà Chúa Giêsu ban cho để chữa bệnh và quyền năng Chúa ban để trừ quỷ. Các thánh ký không thể nêu tên chuyên môn của một số bệnh, nhưng các ngài có đầy đủ khả năng phân biệt khi đụng phải một căn bệnh và khi đụng phải trường hợp quỷ ám. Chính Luigi Sartori chứ không phải các thánh ký là người không thể phân biệt được giữa hai trường hợp đó. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản rằng trong các hoạt động của Đức Kitô có việc trừ quỷ. Khi bảy mươi hai môn đệ muốn tổng kết lại các kết quả của sứ mạng của họ sau khi họ được Chúa Giêsu sai đi rao giảng cứ hai người một, thì họ hân hoan kể ra một điều, và chỉ một điều thôi: "Lạy Chúa, nhân danh Chúa cả đến ma quỷ cũng phải tùng phục chúng con!" và Chúa Giêsu trả lời: "Thày đã thấy Satan như tia chớp từ trời sa xuống" (Lc 10, l-18). Chúng ta đừng ngạc nhiên rằng Luigi Sartori kết luận bài viết của mình với những lời khẳng định: "Chúa Giêsu, nghệ nhân kỳ diệu đã phô diễn trên hết sức mạnh của tình yêu; Ngài đã xây dựng những mối tương quan cảm thông lẫn nhau; đó là lý do tại sao Ngài đã có thể làm những phép lạ, chứ không phải là vì Ngài sở hữu những quyền năng bí mật thần thiêng như một phù thuỷ" (Famiglia Cristiana, số 19, 10.5.1989). Không, hỡi nhà thần học thân mến, Chúa Giêsu không đi tìm sự cảm thông, và cũng không sở hữu những quyền năng bí mật của một phù thủy. Ngài sở hữu quyền toàn năng của Thiên Chúa, và với những hành động của Ngài, Ngài đã chứng tỏ rằng Ngài là Thiên Chúa. "Sự phân biệt tinh tế nhưng quan trọng này" không còn thấy nơi những thần học gia hiện đại nữa.
 Một nhà thần học khác, Luigi Lorenzetti. Một cách hào hiệp ông thừa nhận rằng "người tín hữu không thể nào tuyệt đối phủ nhận rằng trong một số trường hợp xảy ra có một sự liên quan nào đó với ma quỷ"; nhưng ông ta lại thêm ngay rằng: "Thật là khó, đúng hơn là không thể xác định chắc chắn khi nào một sự hiện diện như thế xảy ra trong những trường hợp cụ thể". Nếu điều này là không thể, thì những cuộc giải thoát được Chúa Giêsu thực hiện cũng như những cuộc giải thoát do các tông đồ làm được, cũng không thể tin được. Và tiếp theo là quyền năng trừ quỷ mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội của Ngài cũng vô ích và các qui tắc Giáo Hội hướng dẫn trừ quỷ cũng vô dụng, và các nhà trừ quỷ cũng thế. Không, hỡi nhà thần học thân mến, việc xác định những trường hợp cụ thể có sự hiện diện của ma quỷ là điều không thể đối với bạn và đối với các thần học gia giống như bạn, bởi vì các bạn tuyệt đối chẳng có kinh nghiệm gì trong lãnh vực này. Do đó, các bạn rất dễ dàng đi đến kết luận: "Nói chung, chúng ta không sai lầm nếu chúng ta lấy lối cắt nghĩa theo khoa học tự nhiên thay cho lối cắt nghĩa theo ma thuật quỷ quái" (Famiglia Cristiana, số 39, 5.10.1988). Điều này thì cũng giống như nói rằng tôi tin có ma quỷ trên lý thuyết, bởi vì tôi không muốn bị tố cáo là lạc giáo, nhưng trên bình diện thực tế tôi không tin, vì trên bình diện thực tế, tôi chỉ tin vào khoa học tự nhiên.
Nếu đây là lối suy nghĩ của các thần học gia uy tín, thì các linh mục bình thường có thể tin cái gì? Hàng ngày tôi có thể sờ thấy được những hậu quả của sự không tin này. Đôi khi những thần học gia này đã xếp các cuộc trừ quỷ vào cùng một loại với những sự lường gạt tinh vi do những người muốn làm tiền dễ dàng và nhanh chóng thực hiện trên đám quần chúng nhẹ dạ. Tôi xin kể thí dụ về một vị mục tử ở Palermo, Sicily, cha Salvatore Caione, người đã được trích dẫn trong Famiglia Cristiana (số 6, 8.2.1989). Với đầu đề "Bùa ngải không hiện hữu", ngài đã phê phán mọi thứ là bịp bợm và đặt mọi người trên cùng một bình diện: những người bỏ bùa, những tay bói bài và các nhà trừ quỷ - bất kể những nhà trừ quỷ đã được các giám mục chuẩn nhận theo đúng Giáo luật. Thực ra chắc chắn cũng có nhiều người để cho mình bị lừa; tuy nhiên, (không phải là nhờ những sai lầm ấy mà chúng tôi truyền đạt điều chân thật) việc chúng tôi giảng dạy chân lý thì không thể lầm lạc được. Đó là những điều tinh tế vượt khỏi tầm nhìn của cha Salvatore và của những người phổ biến ý kiến của cha mà không để ý đến những sai lầm lớn lao bên trong.
 Khi chúng ta lầm lẫn giữa cái sai và cái đúng, kết quả mang lại thật tai hại. Các nhà trừ quỷ thì ít ỏi và, do đó, người ta chạy đến hàng ngũ đông đảo các thày phù thủy. Người tín hữu chẳng được ai dạy bảo. Tôi đã trừ quỷ cho một nữ tu đang ở trong tình trạng đáng thương như là hậu quả quỷ ám mà suốt mười năm chị ta cứ yếu đi dần dần. Tôi đã gọi bà bề trên cả và bảo bà rằng bà không nên chờ đợi cho tới khi bệnh nhân gần chết mới đi gọi bác sĩ; bà nên cho gọi bác sĩ ngay lúc bắt đầu cơn bệnh. Bà bề trên trả lời: "Cha nói đúng, nhưng những điều này đã chẳng có linh mục nào dạy chúng tôi." Bà cũng kể cho tôi bao nhiêu linh mục - không kể các bác sĩ - đã gặp chị nữ tu đó mà không hề có một người nào đã gợi ý rằng nguyên nhân đích thực của một căn bệnh mà các cách điều trị thông thường đều bó tay, thì có thể có nguồn gốc do ma quỷ.
 Thực ra trong các bài viết của tôi cũng đã phê bình các nhà trừ quỷ. Tôi đã nói rằng "chúng ta bị thất truyền" rồi, nghĩa là nơi các giáo phận, không còn thấy truyền thống đào tạo những nhà trừ quỷ cho thế hệ kế thừa nữa. Do đó, thường xảy ra là một số nhà trừ quỷ không biết đến những diễn tiến sơ đẳng nhất. Tôi đã trách cứ Đức Ông Giuseppe Rutta, kinh sĩ nhà thờ chính toà và là nhà điều phối các nhà trừ quỷ ở Turin, Italy. Franca Zambonini đã phỏng vấn ngài nhân danh báo Famiglia Cristiana (30.3.1988), như đã được gợi ý bởi Đức Hồng Y Ballestrero. Rutta đã khẳng định rằng "sự quỷ ám bị giới hạn trong thời gian và chỉ kéo dài chừng một vài giờ hay một vài ngày." Câu trả lời ngây thơ này bộc lộ tất cả sự thiếu kinh nghiệm sơ đẳng nhất. Thực ra, ngài tiếp tục bằng cách nói rằng hết những ai đã đến với ngài "chẳng bao giờ biểu lộ bất cứ dấu hiệu nào đòi phải trừ quỷ". Chính tôi, trong chín năm làm việc cật lực (nhiều đến nỗi tôi đã phải bắt buộc cắt bớt gánh nặng của tôi), tôi đã trừ quỷ cho trên ba mươi ngàn người và tôi đã ghi tên mỗi người đã bị quỷ ám: có khoảng chín mươi ba người đã bị ám xấp xỉ mười năm. Có những người đã trải qua những cuộc trừ quỷ cách khoảng đều đặn trên những thời kỳ mười, mười lăm năm hay hơn nữa, mà họ vẫn không được giải thoát.
 Tôi cũng đã mạnh mẽ phê bình Đức Ông Giuseppe Vignini, linh mục xá giải nhà thờ chính toà Florence, vì bốn bài báo mà ngài đã đăng trên tờ Toscana oggi (tháng 10 và 11.1988). Khi một nhà trừ quỷ viết rằng ma thuật, lễ misa đen, việc bỏ bùa... chẳng là gì khác hơn là "những việc bày tạo vô thưởng vô phạt, phát sinh từ trí tưởng tượng gợi lên"; khi ngài quả quyết rằng việc trừ quỷ không phải là bí tích nhưng chỉ đơn giản là một sự cầu khẩn, vì không biết rằng đó là một á bí tích, khi ngài kết luận những tư tưởng ẩu tả của ngài với lời phát biểu rằng: thực ra, các việc trừ quỷ không nên thực hiện bao giờ. Vậy thì tôi phải nói cho ngài với hết lòng cung kính rằng "Bạn thân mến, bạn đi học lại nghề của bạn đi hoặc là bạn nên đổi nghề đi."
Tôi biết một số nhà trừ quỷ thậm chí chẳng có lấy một cuốn Nghi thức; họ không hề biết những qui tắc mà họ phải theo cũng như những kinh nguyện phải đọc. Họ chỉ biết bản dịch - (không hoàn chỉnh) - bằng tiếng Ý, bản kinh trừ quỷ của Đức Lêô XIII và chỉ đọc mỗi kinh ấy. Báo chí thế giới đã công khai đăng tải trường hợp cô Anneliese Michel, ở thành phố Klingenberg, Germany. Cô là một cô gái hai mươi bốn tuổi, đã chết vào mùa hè năm 1976 sau một loạt các cuộc trừ quỷ. Vấn đề thành chuyện bởi vì hai nhà trừ quỷ đã bị truy tố và phải ra hầu toà. Dữ liệu đã được đăng tải trong các tạp chí và các sách vở khác (như cuốn Diavoli demoni possession của Kasper và Lehmann [Queriniana, 1983]) nói bóng gió rằng cả hai linh mục liên quan đã quá vội vã nghi ngờ có sự hiện diện quỷ ám. Dường như hai nhà trừ quỷ này - mặc dù luôn thực hiện dưới sự đồng ý và sự hiện diện của cha mẹ cô gái - đã để mình bị điều khiển bởi những điều mà chính cô gái nói là nên làm, để mang lại lợi ích cho cuộc giải thoát.
 Tuy nhiên, một cuốn sách về sau đã nghiên cứu các sự kiện của trường hợp này sâu xa hơn: cuốn Annelise Michel, của tác giả Kasper Bullinger (Altotting: Ruhland, 1983). Cuốn sách này nghiên cứu trường hợp và đã kết thúc bằng việc giải oan hoàn toàn cho hai nhà trừ quỷ. Nó chứng minh rằng cả vị giám mục, người đã ban phép trừ quỷ và hai linh mục đã hành động một cách hết sức đúng đắn. Cuốn sách cũng chỉ ra nguyên nhân cái chết của cô gái, hoàn toàn không do sự cử hành và lãnh nhận á bí tích. Dù sao biến cố này cũng góp phần khiến cho các linh mục trở nên miễn cưỡng chấp nhận nhiệm vụ làm nhà trừ quỷ.
 Cuối cùng, tôi nói đến các giám mục. Thực sự tôi rất buồn các ngài, bởi vì tôi yêu mến các ngài và muốn phần rỗi cho các ngài. Bản Giáo luật không nói đến lỗi "quên sót trong chức vụ"; nhưng đoạn Phúc Âm về ngày chung thẩm, của thánh Matthêu đoạn 25, cho chúng ta một chỉ định rõ ràng rằng tội quên sót có thể là một lỗi phạm không thể tha thứ.
  Trong trí tôi vẫn còn in đậm câu phát biểu của một Đức Tổng Giám mục danh tiếng vào ngày 25.11.1988, trong lúc ngài đang là khách được mời trong một chương trình truyền hình rất nổi tiếng, do ông Zavoli làm chủ toạ. Đức Tổng Giám mục này đã xuất hiện để huyênh hoang rằng ngài chưa bao giờ làm việc trừ quỷ và cũng chưa bao giờ bổ nhiệm ai làm nhà trừ quỷ. May mắn thay, cha đáng kính Formigoni, là thành viên của phong trào Comunione e Liberazione, cũng có mặt trên chương trình, và ngài đã trình bày quan điểm Kitô giáo. Sau đó tôi đã ghi lại toàn thể các loạt bài bình luận của các giám mục, những vị - dù không có ý vơ đũa cả nắm - chẳng làm vẻ vang cho hàng ngũ giám mục Ý. Những câu như thế đã được thuật lại cho tôi từ khắp nước Ý, sau đó tôi đã chuyển chúng đến các vị giám mục của chúng trước khi tôi định với các ngài một cuộc hẹn. Tôi sẽ kể ra những lời bình thông thường nhất: "Tôi không bổ nhiệm các nhà trừ quỷ, đó là vấn đề nguyên tắc.""Tôi chỉ tin vào khoa tâm lý học." "Bạn vẫn còn tin vào những chuyện như thế sao? "Tôi chẳng tìm được bất cứ một linh mục nào sẵn lòng chấp nhận bổn phận này. Ông hãy đi nơi khác mà tìm." "Tôi không bổ nhiệm các nhà trừ quỷ và cũng không làm việc trừ quỷ bởi vì tôi sợ. Nếu ma quỷ trở thành kẻ thù của tôi, tôi sẽ làm gì đây?" "Tôi muốn biết kẻ nào đã đặt điều ngu ngốc ấy vào đầu óc bạn." Tôi có thể kể ra nhiều nữa. Mỗi một câu trả lời như trên đã gây ra bao đau khổ cho người nhận nó, và tôi tự hỏi liệu nó có thể hiện cùng một nỗi đau nơi người nói ra nó không. Phần lớn những cá nhân này đến gặp vị giám mục sau khi đã được cha Candido trừ quỷ cho và cha Candido đã cảnh báo rằng họ cần có thêm những cuộc trừ quỷ. Tức là, các nạn nhân đã tiếp cận với các giám mục của họ, được trang bị với sự chẩn đoán của một nhà trừ quỷ tài ba và rất nổi tiếng.
 Tôi không có ý vơ đũa cả nắm. Tôi trở thành nhà trừ quỷ là nhờ vào sự nhạy bén và sáng kiến của đức hồng y Poletti. Tôi tin rằng mỗi nhà trừ quỷ sẽ chứng tỏ nhân danh vị giám mục của mình với cùng một lòng biết ơn như thế. Tuy nhiên, sự khan hiếm các nhà trừ quỷ rõ ràng chứng tỏ một sự thiếu quan tâm về phía các giám mục nói chung.
 Nếu tôi đề cập đến các quốc gia Âu châu khác, bức tranh còn tệ hơn ở Ý nữa. Tôi đã trừ quỷ cho nhiều người từ Đức, Áo, Pháp, Thụy Sỹ, Anh và Tây Ban Nha. Tất cả những người này đã đến vì nghe danh Cha Candido và cuối cùng đã được mãn nguyện với học trò của ngài (là chính tôi). Tất cả những người này đã làm chứng rằng họ không thể tìm được một nhà trừ quỷ trong nước họ. Một người Thuỵ sĩ đã quả quyết với tôi rằng ông đã gọi cho mọi giám mục trong nước này và đã chẳng nhận được gì khác ngoài những câu trả lời tiêu cực. Tôi không có ý nói rằng không có những nhà trừ quỷ trong các quốc gia này, nhưng rất khó mà tìm thấy họ. Phải sang mãi tận Roma chỉ để được trừ quỷ thì chẳng vui tí nào.
 Tôi xin lập lại lời phát biểu của tôi là các tình trạng ở ngoại quốc thì tồi hơn ở Ý. Tôi sẽ cho một thí dụ tiêu biểu. Các người đồng tu với tôi ở Hoa kỳ (Hội Thánh Phaolô) đã muốn dịch sang Anh ngữ cuốn II diavolo của Balduci. Cuối cùng họ đã xin được Imprimatur (phép in) sau khi họ đã đồng ý loại bỏ hết những bài về chuyện quỷ ám, theo yêu cầu đặc biệt của kiểm duyệt viên giáo phận. Đây là một sai lầm thông dụng: Chúng ta không chối sự hiện diện của ma quỷ trên lý thuyết, bởi vì chúng ta không muốn bị coi là lạc giáo, nhưng chúng ta sẽ quyết liệt chối bỏ điều đó khi chúng ta đối diện với những thí dụ cụ thể.
 Mặt khác, một số giáo phái Tin lành không theo lối xử lý này. Ngay cả ở Roma cũng có một số giáo phái xem xét vấn đề một cách hết sức nghiêm chỉnh. Họ điều tra một biến cố xảy ra, và sau tiến trình phân biệt, họ thấy rõ ràng hoạt động của ma quỷ, họ trừ quỷ một cách hiệu nghiệm, nhiều lần tôi đã có thể đích thân chứng kiến. Điều hiển nhiên là không chỉ có người Công Giáo nhưng mọi người tin Chúa Kitô đều có thể nhân danh Ngài mà trừ quỷ. Chúng ta không được ghen với bất cứ ai, nhưng nên tìm sự hướng dẫn trong Phúc Âm. Khi Thánh Gioan nói với Chúa Giêsu: "Chúng con đã thấy một người trừ quỷ nhân danh Thày, và chúng con đã cấm họ vì họ không theo chúng ta", Chúa Giêsu đã khiển trách các tông đồ (Mc 9,38-40).
 Đây là điều mà các thành viên của phong trào canh tân đặc sủng khám phá ra khi họ khởi sự con đường "Cầu nguyện giải thoát". Những lời cầu nguyện này phải được hướng dẫn bởi những qui luật chính xác, nhưng chúng thật hết sức hiệu nghiệm: Đức Hồng Y Suenens đã viết một cuốn sách đặc biệt để điều chỉnh những cách cầu nguyện như thế: Renewal and the Power of Darkness (nhà xuất bản Pauline, 1982), với lời nói đầu của Đức Hồng y Ratzinger. Ngài viết: "Ngay từ ban đầu, nhiều người Công Giáo liên kết với phong trào Canh tân đã khám phá việc thực hành giải thoát nơi những người Kitô hữu thuộc các truyền thống khác, chủ yếu thuộc về các giáo hội Giải phóng hoặc Ngũ Tuần. Những cuốn sách mà họ đọc, và vẫn còn đọc, phần lớn phát xuất từ những giáo phái này. Trong văn chương của họ có một lượng thông tin rất phong phú về ma quỷ và các người cộng sự của chúng, về ma thuật và phương pháp của nó... Trong Giáo Hội Công Giáo, lãnh vực này hầu như bị bỏ hoang. Những chỉ dẫn của chúng tôi để đáp ứng việc mục vụ đặc biệt không còn thích hợp trong thời đại chúng ta nữa" (pp.79-80).
 Đây là một lời phàn nàn mà tôi sẽ nói đến trong chương kế tiếp; ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc học hỏi từ những người theo sát những lời khuyên Phúc Âm là rất chính đáng. Trong khía cạnh này, cũng như trong sự nghiên cứu và phổ biến Kinh Thánh, bên Công Giáo đã chậm chạp hơn bên các giáo phái Tin lành. Tôi không bao giờ chán lặp lại điều này: Chủ nghĩa duy lý và duy vật đã làm hư một phân bộ các nhà thần học, và ảnh hưởng của họ trên các giám mục và các linh mục đã khá sâu đậm. Chính dân Thiên Chúa phải trả lẽ cho những sai lầm này. Tôi biết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã làm ít nhất hai cuộc trừ quỷ. Tôi sẽ sung sướng nếu có ai đó cung cấp cho tôi những thông tin thêm nữa.
 Tôi công khai thừa nhận rằng một trong những mục đích của cuốn sách này là góp phần tái lập công tác mục vụ trừ quỷ trong Giáo Hội Công Giáo. Đây là một lệnh truyền chính xác của Chúa chúng ta, và sự kiện nó không được theo đuổi là một thiếu sót không thể tha thứ được.

PHỤ CHƯƠNG
Tư tưởng của Thánh Irênê
 Tôi thuật lại tư tưởng của một trong những nhà thần học cổ thời hơn, thánh Irênê, kể cho một số nhà thần học tân thời có thể học hỏi từ đó. Tôi trích dịch từ nguyệt san Il segno soprannaturale, tháng 9.1989, được hiệu đính bởi một giáo sư vĩ đại dưới bút hiệu Alpe.
 Thánh Irênê sinh khoảng năm 140 sau công nguyên tại Tiểu Á. Ngài là giám mục thành Lyon và đã thành lập Giáo Hội Gallic. Ngài qua đời khoảng năm 202, có thể tử vì đạo. Tác phẩm căn bản của ngài là Adversus haereses (chống lại lạc giáo), trong đó ngài hoàn toàn chống lại những luận đề của phái ngộ đạo. Phái ngộ đạo chủ trương rằng thế giới được sáng tạo bởi một ác thần. Irênê biện bác rằng Đấng sáng tạo đích thực là Ngôi Lời - tức là Lời của Thiên Chúa tốt lành. Các thiên thần là một phần của vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo thành. Ma quỷ, cũng giống như các thiên thần khác, cũng là sự thiện được tạo thành; tuy nhiên, một cách cố hữu và đời đời hắn đã là một thụ tạo và như thế là thấp kém hơn và phụ thuộc vào Thiên Chúa. Ma quỷ đã phản bội và do đó đã bị loại ra khỏi thiên đàng. Đó là lý do tại sao Satan là tên bội giáo tiêu biểu, và cũng là tên lừa đảo của vũ trụ, hắn "muốn lừa dối trí khôn chúng ta, làm tâm hồn chúng ta ra tối tăm, và cố gắng thuyết phục chúng ta tôn thờ hắn hơn Thiên Chúa". Các quyền lực của hắn có giới hạn bởi vì hắn chỉ là kẻ cướp quyền bính mà về cơ bản và hợp pháp chỉ thuộc về Thiên Chúa, và "hắn không thể bắt buộc chúng ta phạm tội."
 Thánh Irênê tiếp tục: Satan đã đánh mất ân sủng thiên thần bởi vì hắn ghen tức với Thiên Chúa, "muốn tự tôn thờ chính mình". Hắn cũng ghen tức với loài người, bởi vì loài người là hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Sự ghen tức của hắn chủ yếu tập trung chống lại chúng ta. Đây là lẽ tại sao hắn đã vào vườn Eden với chủ tâm đồi bại muốn phá hoại tổ tông chúng ta. Irênê cũng là thần học gia Kitô giáo đầu tiên phân tích kỹ lưỡng - cuối cùng là phát triển lên - một lý thuyết về tội nguyên tổ. Thiên Chúa đã tạo dựng Adam và Evà và đặt họ trong vườn địa đàng để họ sống hạnh phúc, trong tương quan mật thiết với Ngài. Satan, khi biết điểm yếu của họ, đã vào vườn địa đàng và cám dỗ họ dưới hình dạng con rắn.
 Sự độc ác của Satan có thể đã chẳng có tác dụng gì nếu như Thiên Chúa đã không ban cho loài người cái tự do chọn lựa giữa sự thiện và sự ác. Satan "đã không bắt buộc được" người nam đầu tiên và người nữ đầu tiên phạm tội; "họ đã tự do chọn lựa điều đó, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng họ một cách đặc biệt với tặng ân vĩ đại nhất là sự tự do chọn lựa. Satan chỉ là một tên cám dỗ, nhưng cũng là một tên cám dỗ thực sự và ngoan cố, bởi vì hắn ghen tức với tình trạng nguyên thuỷ của tổ tông chúng ta."
 Qua sự chọn lựa của Adam và Evà, tất cả nhân loại đã tham phần vào tội lỗi của hai ông bà, và từ lúc ấy chúng ta đã tự trở thành nô lệ cho ma quỷ. Tệ hơn nữa, chúng ta bất lực trong việc tự giải thoát khỏi nó qua sự chọn lựa của chính chúng ta. Khi đã lụy thuộc Satan, chúng ta đã làm méo mó hình ảnh và sự nên giống Thiên Chúa mà chúng ta đã có và tự nên án tử cho chính mình. Hạnh phúc của vườn địa đàng đã bị tan nát. Vì chúng ta đã quay lưng lại với Thiên Chúa do ý muốn tự do của riêng chúng ta, nên chúng ta đã tự đặt mình vào tay Satan. Cũng vì thế mà Satan đã cầm buộc chúng ta dưới quyền lực của nó cho tới khi chúng ta được cứu chuộc. "Nói cho đúng ra, trên phương diện đức công bình, Thiên Chúa có thể đã để chúng ta trong tay Satan vĩnh viễn. Tuy nhiên, do lòng thương xót, Ngài đã sai con của Ngài đến cứu chuộc chúng ta." Hành vi cứu độ của Đức Kitô bắt đầu với việc Satan cám dỗ Adam thứ hai (Chúa Giêsu), như một "sự thâu tóm lại" cơn cám dỗ của Adam thứ nhất. Lần này Satan thất bại và dứt khoát bị Đức Kitô đánh bại. Truyền thống Kitô giáo cho chúng ta ba lối giải thích chính về hành vi cứu độ qua cuộc tử nạn của Đức Kitô.
 1. Lối giải thích thứ nhất: Bản tính nhân loại đã được thánh hoá, được nâng cao, được biến đổi, và được cứu chuộc bởi việc Đức Kitô hóa thân thành con người.
 2. Lối giải thích thứ hai: Đức Kitô đã nên hy lễ dâng lên Thiên Chúa để giao hoà giữa con người và Thiên Chúa.
 3. Lối giải thích thứ ba: Lý thuyết cứu chuộc. Thánh Irênê là người đầu tiên bênh vực lý thuyết này, dựa trên giả thuyết sau đây: "Vì Satan cầm buộc dòng dõi nhân loại cách hợp pháp, nên Thiên Chúa phải chuộc lại sự tự do cho chúng ta với giá là chính Ngài. Chỉ Ngài có thể ra giá. Chỉ Thiên Chúa mới có thể tự do chinh phục chính mình; không ai khác có thể tự do chọn lựa, bởi vì tội nguyên tổ của chúng ta đã tước hết quyền tự do của chúng ta. Thiên Chúa Cha đã nộp con mình là Chúa Giêsu Kitô, để giải phóng chúng ta, những tù nhân của ma quỷ. Những đau khổ của Đức Kitô đã làm tê liệt ma quỷ, giải thoát chúng ta khỏi cái chết và án phạt."
 Lý thuyết hy sinh, là một lý thuyết chính yếu khác vào thời thánh Irênê. Chủ trương rằng Đức Kitô, đồng thời vừa là Thiên Chúa vừa là con người, đã mang trên mình Ngài tất cả tội lỗi của nhân loại và của ý chí tự do riêng Ngài, Ngài đã tự nộp mình để chịu chết, do đó, đã trả cho Thiên Chúa một cái giá thích đáng. Lý thuyết cứu chuộc, mặc dù đôi khi nó được diễn tả một cách sơ sài, đã phản ánh sự nhấn mạnh rằng các giáo phụ đã dựa trên cuộc chiến vũ trụ giữa Đức Kitô và Satan. Lý thuyết này nói chung phù hợp hơn với những giả thuyết nhị nguyên ôn hoà của Kitô giáo thời sơ khai. Theo thánh Irênê, Đức Kitô là Adam thứ hai, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích tử thần ràng buộc chúng ta như hậu quả của sự yếu đuối của Adam thứ nhất. Khái niệm "thâu tóm" (Đức Kitô Adam thứ hai tránh được tổn thất do Adam thứ nhất gây ra) đã nắm ở tâm điểm khoa Kitô học của thánh Irênê: "Satan, bị Đức Kitô đánh bại, tiếp tục cản trở sự cứu độ của chúng ta bằng tất cả năng lực của nó. Nó xúi dục kẻ ngoại, kẻ thờ ngẫu tượng, phù thuỷ, những kẻ ác ôn và đặc biệt kẻ lạc giáo và bội giáo. Những kẻ lạc giáo và ly giáo không đi theo Giáo Hội đích thực là những phần tử của đạo binh Satan. Họ là nhân viên của hắn trong cuộc chiến vũ trụ chống lại Đức Kitô.
 Thánh Irênê chủ trương rằng tường thành bảo vệ các Kitô hữu chống lại ma quỷ là Đức Kitô. Ma quỷ chạy trốn khi các Kitô hữu đọc kinh cầu nguyện và kêu danh thánh Đức Kitô. Tuy nhiên, trận chiến chưa kết thúc, bởi vì ma quỷ sẽ tiếp tục thử thách tất cả mọi người đã được rửa tội, với phép của Đấng sáng tạo. Phép này được ban "để công phạt họ vì tội lỗi của họ, đúng hơn để thanh tẩy họ, và để dạy họ đức bác ái huynh đệ" biết giúp đỡ lẫn nhau trong nhu cầu thiêng liêng với lợi ích hỗ tương và bền bỉ; nhưng trên hết là giữ cho họ "luôn luôn tỉnh thức và vững mạnh trong đức tin."

Một tài liệu của Vatican về học thuyết ma quỷ
 Các bạn đừng nghĩ rằng chỉ có tôi mới là người ghi nhận những sai lầm to lớn của một số nhà thần học. Dường như nhiều người trong số những nhà thần học này đã nhìn nhận Rudolf Bulmann như một vị tân giáo phụ. Bultmann, trong số những người khác, đã viết: "Chúng ta không thể dùng ánh sáng điện hoặc Radio, hoặc chạy lại với y học hiện đại trong vấn đề bệnh tật, và đồng thời lại tin vào một thế giới tinh thần và vào những phép lạ mà Tân Ước trình bày cho chúng ta." (Nuovo Testamento e Mitologia [Queriniana 1969] p.100). Việc cho rằng những tiến bộ kỹ thuật là bằng chứng hiển nhiên cho thấy lời Thiên Chúa đã lỗi thời, chỉ ra một sự thiếu khả năng suy nghĩ. Nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh và thần học tin rằng họ "không hợp thời" nếu họ không đi theo những chỉ dẫn này. Trong cuốn sách nói trên, Lehmann kể ra một thống kê rất thú vị về các thần học gia Công Giáo: hai phần ba trong số họ chấp nhận giáo lý truyền thống về ma quỷ - trên lý thuyết - nhưng họ bài bác những giáo huấn này trong thực hành, trên bình diện mục vụ. Tức là, họ không muốn chính thức đối lập với Giáo Hội, nhưng thực tế họ không chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội (p.115). Một thống kê khác cũng hay: Các thần học gia Công Giáo đã tỏ ra một sự hiểu biết rất hời hợt về quỷ ám và việc trừ quỷ (p. 27). Đây đã là chủ trương xuyên suốt của tôi.
 Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin biết rất rõ về tình trạng này và đã ủy thác cho một chuyên gia nghiên cứu vấn đề. Các kết quả đã được công bố trên ấn bản tiếng Ý của tờ Osservatore Romano 26.6.1985, với tựa đề "Fede Cristiana e demonologia" (Đức tin và khoa ma quỷ học). Rồi bài báo này về sau đã trở nên một phần trong các tài liệu chính thức của Tòa Thánh (Enchiridion Vaticanum, tập 5 số 38). Tôi sẽ trích một số phần của nó. Mục đích chính là để giáo dục các tín hữu, và hơn nữa các nhà thần học lầm lạc hay lẩn tránh bàn đến sự hiện hữu của Satan trong các bài nghiên cứu giảng dạy của họ, bất chấp "lý do con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy các công việc của ma quỷ" (1Ga 3,8). Bằng việc bỏ qua sự hiện hữu của Satan, chúng ta làm lu mờ ơn cứu chuộc; kẻ nào không tin có ma quỷ, cũng không tin vào Phúc Âm.
 Qua các thế kỷ, Giáo Hội đã luôn luôn trừng trị các hình thức mê tín dị đoan khác nhau, sự bận tâm thái quá với Satan và ma quỷ, những hình thức thờ cúng khác nhau, và sự dính bén đến độ ám ảnh vào các thần linh này. Do đó, sẽ không đúng khi cho rằng Kitô giáo quên mất quyền thống trị phổ quát của Đức Kitô, đã biến Satan thành luận chứng qui chiếu cho việc rao giảng của mình, biến Tin Mừng Chúa Phục sinh thành sứ điệp sợ hãi. Tuy nhiên, trong thực tế, thật là một sai lầm chết người vì hành xử cứ như thể chúng ta tin rằng lịch sử đã giải quyết xong xuôi, sự cứu chuộc đã đạt đến mục tiêu viên mãn của nó, và không còn cần tham gia vào cuộc chiến đã được nói đến trong Tân Ước bởi các nhà rao giảng đường thiêng liêng.
 Tuy nhiên, thường có hơn, sự hiện hữu của Satan đã bị công khai phủ nhận bởi những người hồ nghi. Có một số nhà phê bình, vì tin rằng họ có thể đồng hoá vị trí của họ với vị trí của Đức Kitô, đã khẳng định rằng Ngài không bao giờ đã nói những lời bảo đảm sự hiện hữu của thế giới ma quỷ. Họ giải thích rằng bất cứ lời khẳng định nào về sự hiện hữu của Satan cũng chỉ phản ánh những ý tưởng của các bản văn của Giuđa, hoặc chỉ là một truyền thống Tân Ước chứ không phải lời khẳng định của Đức Kitô. Do đó, vì truyền thống này không phải là thành phần của sứ điệp trung tâm Phúc Âm, nên không buộc tin, và chúng ta được tự do bỏ đi.
Những nhà thần học khác, khách quan hơn và có căn bản hơn, chấp nhận những lời trong Kinh Thánh về ma quỷ y như ý nghĩa hiển nhiên của nó. Tuy nhiên, họ lại vội thêm rằng, trong thế giới ngày nay, những lời này là không thể chấp nhận được, ngay cả đối với các Kitô hữu, do đó, họ cũng loại bỏ chúng. Cuối cùng, một số người tin rằng ý tưởng về Satan, bất kể nguồn gốc thế nào, cũng không còn quan trọng nữa, và nếu chúng ta cứ kiên trì làm rõ vấn đề, thì các giáo huấn của chúng ta sẽ mất đi tính khả tín và sẽ che khuất sự tập trung của chúng ta vào Thiên Chúa là Đấng đáng chú ý duy nhất.
 Sau hết, tất cả những điều trên chủ trương rằng danh xưng Satan và ma quỷ không là gì khác hơn là sự hiện thân thực dụng và hoang đường mà mục đích của chúng chỉ là để nhấn mạnh một cách ấn tượng ảnh hưởng của sự dữ và tội lỗi trên nhân loại, do đó, nó chỉ đơn giản là một cách nói, và thời đại tân tiến của chúng ta cần giải thích lại nó để tìm một đường lối khác để dạy cho các Kitô hữu bổn phận chiến đấu chống lại tất cả các lực lượng sự dữ trên thế giới.
 Những quan điểm này được trình bày với một màn trình diễn uyên thâm bởi các tạp chí và một số tự điển thần học. Nó rất đáng quan tâm. Người tín hữu quen giữ những lời cảnh báo của Đức Kitô và các bản văn của các tông đồ một cách nghiêm chỉnh. Những người thông thạo khoa Kinh Thánh không thể không nhận ra rằng họ phải đối phó với mặt trận làm thay đổi quan điểm quần chúng và sẽ tự hỏi tiến trình giải huyền (demythologizing), đã bắt đầu nhân danh khoa chú giải (hermeneutic), sẽ dẫn họ đi đến đâu.
 Việc chữa người bị quỷ ám được chính Đức Kitô thực hiện đã diễn ra vào những dịp mà về sau đã chứng minh là có tính quyết định trong trình thuật về sứ vụ của Ngài. Những cuộc trừ quỷ của Ngài đã trình bày và đã hướng đưa vấn đề về sứ mạng Ngài và Ngôi vị Ngài, như là hiển nhiên khỏi những phản ứng mà những cuộc trừ quỷ đó gây nên. Chúa Giêsu không bao giờ đặt Satan ở trung tâm của Phúc Âm, nhưng Ngài đã nói về nó với những tuyên bố quan trọng vào những lúc rất quan trọng.
 Trước hết, Ngài đã bắt đầu sứ mạng của Ngài bằng việc chấp nhận để bị ma quỷ cám dỗ trong sa mạc. Trình thuật đúng đắn của Marcô về biến cố này cũng dứt khoát như sự mô tả của Matthêu và của Luca. Rồi Chúa Giêsu đã cảnh giác chúng ta chống lại đối thủ này trong bài giảng trên núi và trong lời kinh mà Ngài đã dạy cho các môn đệ Ngài, kinh Lạy Cha; về điểm này nhiều học giả Kinh Thánh - được sự hỗ trợ bởi những thực hành phụng vụ - đồng ý. Sách Khải Huyền, hơn mọi sách, là một bức tranh hoành tráng qua đó uy quyền của Đức Kitô phục sinh chiếu sáng rực rỡ theo các chứng nhân của Phúc Âm của Ngài. Sách Khải Huyền công bố cuộc chiến thắng khải hoàn của Con Chiên bị giết, nhưng chúng ta sẽ tự lừa dối mình hoàn toàn về bản tính của chiến thắng này nếu chúng ta không nhìn thấy trong đó sự kết thúc của cuộc chiến lâu dài. Một cuộc chiến bao gồm Satan, các thần của nó, và các nhân vật lịch sử của chúng, cả cá nhân lẫn sự can thiệp của những lực lượng nhân loại đối lập với Chúa Giêsu. Thực ra, chính sách Khải huyền cuối cùng đã lột trần căn tính của Satan bằng việc tiết lộ những điều bí ẩn nơi nhiều danh xưng và những biểu tượng trong suốt bộ Kinh Thánh. Hành động của ma quỷ diễn ra qua các thế kỷ của lịch sử nhân loại, dưới mắt Thiên Chúa. Hiển nhiên là phần đông các giáo phụ, bắt đầu với Origênê, đã bỏ cái ý tưởng là các thần sa ngã đã phạm tội xác thịt và đã nhìn thấy căn nguyên các cuộc sa ngã của họ ở trong sự kiêu ngạo của họ - tức là, trong ước muốn của họ muốn nâng mình lên trên chỗ đứng của mình, để khẳng định sự độc lập của mình, và muốn được coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Tiếp theo sự kiêu hãnh, nhiều giáo phụ đã nhấn mạnh đến sự ác độc của Satan chống lại loài người. Theo thánh Irênê, sự phản bội của Satan bắt đầu khi nó đã trở nên ghen tương về sự sáng tạo loài người và cố gắng làm cho con người khởi loạn chống lại Đấng sáng tạo nên mình. Tertulianô nói rằng Satan nỗ lực chống lại kế hoạch của Thiên Chúa bằng cách ăn cắp sáng kiến các bí tích được Chúa Kitô thiết lập để lập ra những huyền tích ma thuật. Do đó, những giáo huấn của các giáo phụ làm vang lên một cách mạnh mẽ và trung thành chiều kích đức tin và đường hướng của Tân Ước.


Về cùng Giêsu